Chuyên gia: Cần có quy định riêng cho phá sản ngân hàng
Đại diện cơ quan quản lý đã nhiều lần tuyên bố không để các tổ chức tín dụng Việt Nam đổ vỡ và nhấn mạnh rằng sự bất ổn ở một tổ chức có thể gây ra đổ vỡ hệ thống trong nền kinh tế. Song, nhân việc Luật Phá sản đang được sửa đổi, đã có ý kiến cho rằng nên để ngân hàng phá sản vì đây là cơ hội để có quy định cụ thể hơn trong luật cho việc này.
Các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận ngân hàng có tính dễ đổ vỡ nhưng không có nghĩa không thể phá sản khi đã mất nguồn lực
|
Các chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tư vấn chính sách thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (gồm Ngân hàng Thế giới và các đơn vị trực thuộc) tại Việt Nam nhân việc sửa đổi Luật Phá sản vừa có bản khuyến nghị gửi Ban soạn thảo luật, các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước. Bản khuyến nghị cho rằng Luật Phá sản sửa đổi nên quy định thủ tục và nguyên tắc đặc biệt cho ngân hàng, nên có một chương riêng hoặc có các ngoại lệ và quy định khác. Luật cần phải xác định rõ ngưỡng để mở thủ tục phá sản ở giai đoạn đủ sớm bởi trong phá sản ngân hàng, mục tiêu chính là kiềm chế ngoại ứng tiêu cực và duy trì sự ổn định tài chính và sự tin tưởng vào hệ thống tài chính. Chính vì thế, cần thiết phải hành động ngay trong phá sản ngân hàng.
“Hành động sớm có tầm quan trọng cốt yếu bởi tài sản tài chính (không như hàng hóa vật chất hoặc hàng tồn kho) có thể bị tẩu tán một cách kín đáo và rất nhanh chóng, và vì thế các cơ quan quản lý ngân hàng cần có khả năng can thiệp nhanh chóng để ngăn chặn tổn thất của người gửi tiền. Hành động không chắc chắn hoặc chậm chạp trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng có thể gửi đi tín hiệu sai lầm, kích hoạt thêm tình trạng mất niềm tin và những đợt tháo chạy khác khỏi những tổ chức tín dụng khác”, theo ý kiến góp ý về việc sửa đổi Luật Phá sản của nhóm chuyên gia này.
Thực tế, ở các nền kinh tế đi trước vẫn cho phép ngân hàng phá sản. Các cuộc khủng hoảng tài chính ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, gần đây là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã cho thấy các nguyên tắc phá sản thông thường là không đủ trong trường hợp của ngân hàng và phá sản ngân hàng xứng đáng được đối xử và quan tâm đặc biệt.
Tuy nhiên dự thảo lần 3 của Luật Phá sản sửa đổi đang được lấy ý kiến đã không thể hiện rõ được điều này. “Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Luật Phá sản sửa đổi phải quy định những thủ tục và luật lệ riêng cho phá sản ngân hàng. Hoặc là dưới hình thức một chương riêng hay dưới hình thức cung cấp các quy định ngoại trừ hay thay thế. Dù dưới hình thức nào, các vấn đề sau đây cần phải đề cập trong bất kỳ khung phá sản ngân hàng nào: Cơ quan giám sát ngân hàng và cơ quan có thẩm quyền mở hoặc tham gia thủ tục phá sản ngân hàng; Nêu rõ ngưỡng để mở thủ tục phá sản và bắt đầu công tác quản lý trước phá sản; nêu rõ các thủ tục tòa án so với thủ tục hành chính; chỉ định rõ thẩm quyền của thanh lý viên (người làm công tác hậu phá sản); bảo vệ các thỏa thuận thanh toán bù trừ giữa ngân hàng bị phá sản và chủ nợ”, trích từ bản góp ý của nhóm các chuyên gia thuộc Ngân hàng thế giới Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM, cho biết ngân hàng là một loại doanh nghiệp, hoạt động trên mục tiêu lợi nhuận, các loại doanh nghiệp khác khi hoạt động không hiệu quả có thể chết đi để khai sinh doanh nghiệp mới thì tại sao ngân hàng lại không thể? Nhưng ông cũng lưu ý rằng: “Thủ tục phá sản ngân hàng phải bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, bao gồm hoạt động bình thường của hệ thống thanh toán và chuyển tiền, bảo vệ người gửi tiền và bảo toàn chức năng trung gian tín dụng”.
Ông cho rằng, không thể phủ nhận ngân hàng có tính dễ đổ vỡ và rủi ro hệ thống rất cao. Bởi ngân hàng vay ngắn hạn để cho vay dài hạn, và tình trạng chênh lệch kỳ hạn này khiến ngân hàng rất nhạy cảm với tình trạng tháo chạy. Khi một người gửi tiền cho rằng người khác sẽ rút tiền, người đó cũng sẽ rút. Những cuộc tháo chạy đó không hề có phân biệt (nghĩa là không cần có tương quan với tình hình thực trạng của tổ chức), khiến cho các ngân hàng đặc biệt dễ bị tổn thương với việc công chúng mất niềm tin. Vấn đề nằm ở chỗ việc đổ vỡ một ngân hàng lại có thể gây ra đổ vỡ đối với ngân hàng hoặc định chế tài chính khác và việc rút tiền hàng loạt sẽ khiến tình hình leo thang và trở thành khủng hoảng hệ thống. Đó là điều cần giải quyết với một ngân hàng đã mắc sai lầm và mất nguồn lực.
Theo ý kiến của nhóm chuyên từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khi cơ quan nhà nước tiếp tục cam kết sẽ bảo vệ ngân hàng đã làm sai thì chỉ làm tình trạng nặng thêm. Việc Chính phủ đảm bảo cho ngân hàng làm người dân hiểu rằng có nhà nước đứng sau đỡ ngân hàng và họ không có ý thức phân biệt ngân hàng tốt xấu, và cứ có tiền, họ chạy theo lợi nhuận, gửi ở ngân hàng có lãi suất cao trong khi đó mới là những ngân hàng có vấn đề và thiếu vốn.
Việc cam kết ngân hàng không phá sản càng gây hiểu lầm cho người dân về lâu dài, và làm hại chính ngân hàng, tăng gánh nặng lên vai người điều hành vĩ mô, dẫn đến chi phí xã hội đáng kể đối với cả nền kinh tế. Chính vì thế, sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý để đóng cửa ngân hàng không còn đủ vốn là hết sức quan trọng để giảm nhẹ tác động bất lợi của phá sản ngân hàng.
Hồng Phúc
tbktsg
|