Điều hành tỷ giá: Quan trọng nhất là tạo lập lòng tin thị trường
TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ quan điểm trên với phóng viên Thời báo Ngân hàng xoay quanh vấn đề điều hành tỷ giá của NHNN.
TS. Võ Trí Thành
|
Nhận định của ông về điều hành tỷ giá của NHNN từ đầu năm 2013 đến nay?
Theo tôi, điều hành tỷ giá vừa mang tính khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nhưng dù là khoa học hay nghệ thuật thì cố gắng đảm bảo được hai điểm. Thứ nhất, là tạo ra dư địa đủ lớn cho tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Thứ hai, đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Đấy là cái khó đối với nhà điều hành.
Từ đầu năm đến nay, điều hành tỷ giá của NHNN đã đạt được thành công. Đó là chính sách tỷ giá đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ nhất lạm phát giảm quanh mức 6 - 7%. Bằng các công cụ nghiệp vụ, thời gian qua, NHNN vẫn tạo độ linh hoạt nhất định trong điều hành chính sách. Thể hiện rõ nhất bằng việc bơm tiền ra, vào để đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng nhưng không gây áp lực lạm phát…
Nhưng vấn đề tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh thì thực hiện chưa tốt trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam đang trong tình trạng èo uột. Tôi có thể thông cảm được sự hy sinh này.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG) có đề xuất NHNN nên linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, quan điểm của ông về vấn đề này?
Câu chuyện này không phải bây giờ mới nói. Ý tưởng linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tỷ giá là làm thế nào để hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Thế nhưng cái khó ở đây là điều chỉnh ở mức nào và thời điểm nào. Bởi, nếu không có thể kéo theo hệ lụy về câu chuyện mà mình không mong muốn, đó là bất ổn kinh tế vĩ mô. Nên theo tôi hiểu hàm ý của Uỷ ban đề xuất là khi đã ổn định vĩ mô tốt hơn và thông điệp tỷ giá với thị trường của NHNN, ở một chừng mực nào đó, đã được thị trường cảm nhận, tin tưởng hơn... thì thời gian tới có thể tập trung hỗ trợ tốt hơn cho quá trình phục hồi. Mà muốn phục hồi thì phải kích tăng trưởng.
Một điều nữa, có thể, do Ủy ban GSTCQG quan ngại là câu chuyện tỷ giá bị dồn nén lâu ngày lên giá thực của đồng VND do lạm phát của Việt Nam cao hơn so với lạm phát của đồng USD. Do đó, họ đề xuất NHNN nên làm dần, nếu không về sau tích lũy có thể điều chỉnh khó hơn.
Thế nhưng, như tôi đã nói, điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm nào không phải đơn giản, vì nó phụ thuộc sự nhìn nhận, đánh giá lòng tin thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số vĩ mô, và cách thức tạo sự linh hoạt, thông điệp với thị trường có ý nghĩa rất quan trọng. Bài học cách đây mới vài tháng: Mặc dù tuyên bố cán cân thanh toán tốt, dự trữ ngoại tệ tăng, ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn nhưng khi NHNN tuyên bố chỉ phá giá 1% thì ít nhiều gây xáo động trên thị trường ngoại hối.
Vậy quan điểm của ông về sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá thế nào?
Theo quan điểm của tôi, sự linh hoạt tỷ giá bao hàm hai nghĩa. Một là để dư địa tỷ giá tương đối có thể “nhảy nhót” theo biến động thị trường. Ý nghĩa nữa cũng rất quan trọng là trong tương lai nếu tỷ giá vẫn chưa thể thả nổi thì cần có sự linh hoạt điều hành, phối hợp chính sách.
Quan trọng nhất là thông điệp thị trường với cam kết về ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với minh bạch thông tin số liệu để người ta tin là sự thay đổi ở mức nào thì nhà điều hành có thể kiểm soát cung tiền tệ. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Từ nay đến cuối năm, theo ông, có nên điều chỉnh nhỏ để hỗ trợ xuất khẩu?
Tôi nghĩ là cũng có thể cân nhắc điều này. Bởi vì các số liệu hỗ trợ từ các góc độ: dự trữ, thị trường vàng, cán cân thanh toán quốc tế, lạm phát… đã tốt hơn. Ngoài ra, dòng vốn FDI vẫn tiến triển khả quan, kiều hối chảy về khá mạnh từ nay đến hết năm. Nhưng tôi cho rằng, dù NHNN có điều chỉnh thì chắc cũng chỉ nằm trong cam kết và gắn với thông điệp Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Vào đầu năm 2013, phần lớn dự báo là cuối năm nay tỷ giá khoảng 21.500 đồng/USD, nhưng gần đây đã hạ xuống chỉ ở mức 21.200 – 21.300 đồng/USD.
Theo ông, sang năm 2014, dư địa điều chỉnh tỷ giá sẽ là bao nhiêu?
Nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Như chúng ta biết, các dự báo đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam GDP quanh mức 5,5%, và mục tiêu Chính phủ đặt ra là GDP tăng 5,8%.
Nhưng mục tiêu và dự báo trên khá bất định. Tức là NHNN chưa biết cam kết tiêu dùng, đầu tư tư nhân, FDI là bao nhiêu nên rất khó xác định mức độ điều chỉnh là bao nhiêu. Đó là chưa kể nhiều nhân tố thị trường quyết định. Giả sử, trong trường hợp đầu tư tư nhân, FDI không có bước chuyển hơn năm 2013, thì muốn tăng trưởng kinh tế cao hơn phải tăng đầu tư tư nhân, đẩy tín dụng ra nhiều hơn.
Thông thường, khi dự báo tăng trưởng cao hơn thì áp lực lạm phát cũng sẽ tăng theo, do đó, dư địa điều chỉnh tỷ giá hẹp hơn. Và điều hành tỷ giá lại rơi thế tiến thoái lưỡng nan, một bên là ổn định kinh tế vĩ mô, một bên là hỗ trợ xuất khẩu, sản xuất kinh doanh đảm bảo tăng trưởng kinh tế… Đấy là chưa nói đồng USD lên giá, trường hợp gói QE3 dừng lại và lãi suất USD tăng thì việc tạo dư địa, linh hoạt trong điều hành chính sách tỷ giá còn gặp khó hơn.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, nhà điều hành cần có thông điệp rõ ràng với thị trường về sự ổn định mà họ có thể thực hiện được. Do vậy, tôi cho rằng, sang năm 2014, NHNN chỉ nên thông điệp với thị trường rằng cơ quan này điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, chứ không nhất thiết phải đưa ra con số cố định. Nhưng qua thông điệp này phải đảm bảo dư địa và tính linh hoạt chính sách để có thể điều chỉnh khi thị trường cần có sự hỗ trợ.
Hiện tại nhiều dự báo năm 2014 Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách thận trọng nhưng sẽ linh hoạt hơn năm 2013. Tôi cho rằng, có thể tỷ giá giao dịch ở mức 21.500 đồng/USD, tức là tăng khoảng 1 – 1,5% so với hiện tại.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Hà Thanh
thời báo ngân hàng
|