Độc lập sẽ được việc?
Mới đây, chính phủ đã ban hành Nghị định 156 để thay thế cho Nghị định 96 (năm 2008) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của một trong những cơ quan quyền lực nhất Việt Nam về phương diện quản lý tiền tệ quốc gia.
* Ngân hàng Trung ương "quên" quyền năng lớn nhất
So với Nghị định 96, Nghị định lần này nhìn chung đã cho Ngân hàng Nhà nước nhiều nhiệm vụ và quyền lực hơn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ được giao nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình Chính phủ. Đây được xem là một bước tiến lớn giúp cơ quan này chủ động hơn trong việc quản lý tiền tệ quốc gia, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, vì mô hình của các ngân hàng trung ương hiện đại hiện nay đều thực hiện các chính sách hướng đến lạm phát mục tiêu là chủ yếu.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chính thức được giao nhiệm vụ thống kê thu thập thông tin về kinh tế, tiền tệ và ngân hàng trong và ngoài nước để phục vụ nghiên cứu phân tích và dự báo diễn biến tiền tệ nhằm xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Trên thực tế, trong các năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đẩy mạnh khâu nghiên cứu và phân tích khá tốt và điều này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả các công cụ chính sách ban hành, theo sát được phần nào các diễn biến trong nước và ngoài nước.
Một điểm nhấn quan trọng khác của Nghị định 156 là quyền lực xử phạt của Ngân hàng Nhà nước đã được quy định chi tiết hơn và nâng cao hơn nhiều so với Nghị định 96. Theo đó, cơ quan này được quyền áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ được quyền can thiệp vào ngân hàng bằng cách mua cổ phần, đình chỉ hay miễn nhiệm chức vụ người quản lý cũng như người điều hành của tổ chức tín dụng. Cơ quan này sẽ ra quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và có thể sẽ buộc tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng.
Về cơ cấu tổ chức, Nghị định 156 sẽ nâng bộ máy của Ngân hàng Nhà nước lên thêm 3 đơn vị so với trước. Đặc biệt hai trường đại học hàng đầu về lĩnh vực tài chính là Đại học Ngân hàng TP.HCM và Học viện Ngân hàng cũng sẽ do cơ quan này quản lý.
Nhìn chung, so với Nghị định 96, Nghị định 156 đã quy định chi tiết hơn một số quyền lực và trách nhiệm cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, nội dung quan trọng nhất là tính độc lập của cơ quan này vẫn không thay đổi: Ngân hàng Nhà nước vẫn là một thực thể trực thuộc Chính phủ dù vẫn được ghi nhận trong Nghị định là Ngân hàng Trung ương. Tức mọi hoạt động của nó phải phù hợp với định hướng và mục tiêu của Chính phủ. Việc tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi có đáng thất vọng?
Thực ra, tính độc lập của một số ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển trong các năm gần đây cũng không còn được như trước. Điển hình là Ngân hàng BOJ của Nhật. Tính độc lập của nó không còn mạnh như trước kể từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng và đề ra chính sách kính thích kinh tế. Một trong các công cụ được ông Abe quyết sử dụng là nới lỏng tiền tệ để giúp Nhật thoát khỏi bóng ma giảm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Dưới áp lực của ông Abe, BOJ cũng bắt đầu thực hiện các gói kích thích khổng lồ và phần nào thành công trong việc đưa lạm phát dương trở lại. Tuy vậy, hành động này cũng khiến tính độc lập bao đời nay của cơ quan này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một ngân hàng trung ương quyền lực khác cũng đã thay đổi phần nào đường lối chính sách của mình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thay vì chỉ nhằm vào mục tiêu giữ cho giá cả bình ổn, khi khủng khoảng tài chính năm 2008 nổ ra FED cũng bắt đầu để ý thêm mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp, vốn là mục tiêu đối lập hoàn toàn với lạm phát theo lý thuyết kinh tế vĩ mô. Ví dụ, vào tháng 1.2013, FED thông báo sẽ tiếp tục các chương trình nới lỏng tiền tệ cho đến khi tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 6,5% hay lạm phát vượt 2,5%/năm. Như vậy, thay vì chỉ chăm chăm vào việc giữ giá cả ổn định với mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%/năm, để tránh nền kinh tế khỏi rơi vào suy thoái, FED đang quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp, tức uyển chuyển hơn trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ của mình.
Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, có một ngân hàng trung ương vẫn giữ tính độc lập là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bất chấp cộng đồng kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn với tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục, ECB vẫn kiên quyết giữ mục tiêu ổn định lạm phát trong chính sách điều hành của mình. Cơ quan này chỉ thực hiện khiêm tốn các bước cắt giảm lãi suất mà không mạnh tay triển khai các công cụ nới lỏng mạnh mẽ như các chương trình mua tài sản giống như FED hay Ngân hàng Trung ương Anh đã làm. Nhưng đặc điểm “độc lập” này của ECB liệu có tốt trong bối cảnh khó khăn của châu Âu hiện nay?
Xem ra tính độc lập hay không độc lập hay mức độ độc lập cỡ nào của ngân hàng trung ương vẫn là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí ở cả những thị trường phát triển nhất thế giới. Vì vậy, có lẽ không nên quá kỳ vọng vào việc Nghị định 156 sẽ mang lại một chiếc áo hoàn toàn tới cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sơn Thanh
nhịp cầu đầu tư
|