Bộ Công thương “kêu” khó vì không được tự chủ tài chính
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết 2013, VN có 55 thương vụ tại nước ngoài, 7 chi nhánh thương vụ và một trung tâm xúc tiến thương mại tại các nước ở khắp 5 châu.
Tổng số đã có tới 122 tham tán thương mại, tham tán công sứ và các chức danh khác hoạt động trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp ở nước ngoài.
Từ 2011 các thương vụ đều không có tài khoản riêng và không được chủ động trong các khoản chi như trước đây. Năm 2012, kinh phí đặc thù cấp cho các thương vụ lên đến 10 tỉ đồng nhưng Bộ Công thương nêu số ngân sách được tiêu thực tế chỉ ở mức 6,95 tỉ. Năm 2013, kinh phí này được nâng lên 15 tỉ đồng, tuy nhiên Bộ Công thương cho rằng hiện một số cơ quan đại diện VN tại nước ngoài chưa nắm chặt các quy định về kinh phí đặc thù nên đôi khi chưa tạo điều kiện cho thương vụ triển khai hoạt động.
Bộ Công thương cho rằng do thương vụ không tự chủ được về tài chính nên đã cản trở hoạt động của thương vụ VN tại nước ngoài. Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan đại diện VN tại nước ngoài chưa phù hợp với hoạt động của thương vụ mang tính linh hoạt, thường xuyên phải đi cơ sở, nên đôi khi gây khó khăn, chậm trễ trong triển khai công việc…
Bộ Công thương thừa nhận có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp, thông tin và sự phối hợp của thương vụ chưa kịp thời, phạm vi hẹp, không duy trì thường xuyên. Việc xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của VN vào một số thị trường còn hạn chế và nguyên nhân có vai trò của các thương vụ tại địa bàn chưa hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khi báo cáo còn nêu khối lượng của các thương vụ ngày càng tăng do phải đảm nhiệm thêm các việc khác do sứ quán, cơ quan đại diện phân công, có những việc không thuộc lĩnh vực chuyên môn của cán bộ thương vụ, như phối hợp công tác cộng đồng… Cơ chế phối hợp trong cơ quan đại diện còn một số bất cập, khiến hoạt động của thương vụ đôi khi khó khăn.
Với nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 được nhấn mạnh là phải đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cung cấp thông tin, giải quyết tranh chấp; nghiên cứu chính sách của nước sở tại để kiến nghị đề xuất về nhà; Bộ Công thương phải điều chỉnh cơ chế theo hướng tăng tự chủ kinh phí cho các thương vụ. Phải tiếp tục giữ hiện trạng độc lập về trụ sở và phương tiện đi lại, trước mắt là ở những thị trường có kim ngạch thương mại lớn; cho phép mở lại tài khoản của thương vụ, dù là hình thức tài khoản phụ thuộc…
Bộ Công thương cũng gián tiếp nêu thực tế khi đề xuất Bộ Ngoại giao - Công thương cần xây dựng cơ chế phối hợp quản lý cán bộ thương vụ, tránh tình trạng có sự trái ngược trong chỉ đạo giữa hai bộ…
C.V.Kình
tuổi trẻ
|