Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu
Thời gian qua, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục bị sụt giảm làm ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước cũng như khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xung quanh việc làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam cũng như các giải pháp để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu mặt hàng này.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang
|
- Xin Thứ trưởng phân tích những nguyên nhân nào ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục bị sụt giảm từ tháng 7 đến nay?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua chậm lại là do xuất khẩu sang thị trường châu Phi bị cạnh tranh giá thấp với Ấn Độ, Pakistan bởi hai nước này có vị trí địa lý thuận lợi hơn nên giá cước tàu cạnh tranh hơn (chênh lệch giá cước từ 20-45 USD/tấn tùy khu vực đến).
Bên cạnh đó, khâu thanh toán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn và an ninh ở khu vực này không ổn định nên các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo vào thị trường này thông qua trung gian.
Hơn nữa, một số địa phương bắt đầu vào vụ thu hoạch và Chính phủ nước này tăng cường kiểm soát nhập khẩu qua biên giới, không cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu. Không những thế ,Việt Nam lại thiếu các hợp đồng tập trung với số lượng đủ lớn để tạo tâm lý kích thích thị trường cũng là nguyên nhân khiến cho việc xuất khẩu gạo gặp khó khăn.
- Với tình hình này, theo ông, kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay (khoảng 7,5 triệu tấn) có hoàn thành được hay không ?
-Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay không đặt ra yêu cầu mỗi năm phải xuất cho đạt một lượng gạo cụ thể nhất định. Tính đến hết tháng 9 kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,323 triệu tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Dự kiến xuất khẩu quý IV năm 2013 khoảng 1,8 triệu tấn. Như vậy, xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên, tình hình thương mại gạo thế giới hiện đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao của các nước xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu thực tế của các nước tiêu thụ lúa gạo.
Vì vậy, khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nhu cầu nhập khẩu của khu vực châu Phi, thị trường Trung Quốc, tín hiệu nhập khẩu trở lại từ các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia và Indonesia.
Bên cạnh đó, các động thái liên quan đến chính sách giải phóng lượng gạo tồn kho của Thái Lan và tình hình mùa vụ, năng lực xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan cũng sẽ tác động trực tiếp tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Hiện Bộ Công Thương đang cùng các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng cường bám sát thị trường để có những biện pháp điều hành phù hợp.
- Theo ông, Việt Nam cần phải có chiến lược dài hơi như thế nào để nâng cao chất lượng, giá trị gạo xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới ?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước mắt Bộ đã tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để góp phần đảm bảo khả năng tiêu thụ và hiệu quả xuất khẩu ngay từ khâu sản xuất.
Tới đây, Bộ tiếp tục đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ trong ngành sản xuất, chế biến gạo; kiểm soát tốt quy trình sản xuất, chế biến gạo; gắn kết sản xuất với thu mua, tạm trữ, chế biến và xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo. Cùng đó là việc đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại khác. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, tiềm năng.
Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát và dự báo diễn biến tình hình thị trường; tăng cường hiểu biết về các rào cản kỹ thuật và khả năng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường khó tính. Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các hệ thống phân phối ở nước ngoài để phát triển các kênh phân phối cho mặt hàng này.
- Dự báo, từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ hết gạo bán, bởi đang có một lượng gạo lớn của Việt Nam được xuất qua biên giới bằng đường tiểu ngạch. Ông nhận định về vấn đề này thế nào ?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay, lượng gạo tồn kho doanh nghiệp xuất khẩu là trên 1,5 triệu tấn, chưa kể lượng lúa gạo còn tồn trong dân, các thương lái và các nhà xay, xát. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long và sau đó là thu hoạch vụ Đông Xuân 2014.
Dự kiến lượng gạo tồn kho chuyển sang quý I năm 2014 là khoảng 1,4 triệu tấn nhằm đảm bảo nguồn hàng cho các hợp đồng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa, gạo cho người nông dân, từ tháng 5, Bộ Công Thương đã cho phép thực hiện thí điểm xuất khẩu gạo qua một số khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai trên nguyên tắc thương nhân xuất khẩu phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định và đảm bảo điều kiện hạ tầng cũng như thực hiện công tác quản lý cần thiết phục vụ xuất khẩu để không ảnh hưởng đến việc giao hàng và chất lượng hàng hóa.
Tính đến ngày 15/10, tổng lượng gạo xuất qua biên giới phía Bắc có làm thủ tục hải quan là 330,4 nghìn tấn trị giá đạt 142.477 nghìn USD. Về địa bàn, gạo chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu tại Lào Cai (314,5 nghìn tấn, chiếm 95% tổng lượng gạo xuất qua biên giới phía Bắc) và còn một số lượng nhỏ xuất qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên (Lạng Sơn 8,8 nghìn tấn, Hà Giang 6,9 nghìn tấn và Điện Biên 0,2 nghìn tấn).
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc theo dõi sát tình hình xuất khẩu thóc, gạo theo đường biên mậu và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới để báo cáo định kỳ về Bộ Công Thương.
Các địa phương liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, điều phối hoạt động kinh doanh của thương nhân để vừa tận dụng được cơ hội thị trường, vừa đảm bảo phù hợp với khuôn khổ pháp luật quy định và tránh được những diễn biến bất lợi tới hiệu quả kinh doanh của thương nhân và thương hiệu gạo Việt Nam.
- Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm và cho những năm tới?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp củng cố, duy trì các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia, Cuba…; nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới như Trung Quốc, Hong Kong, châu Phi, Hàn Quốc…
Cùng với đó là việc tích cực trao đổi, xúc tiến đàm phán gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo sắp hết hiệu lực và ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các thị trường mới, thị trường tiềm năng để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo theo hợp đồng Chính phủ. Ngoài ra, tăng cường quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại các nước, tổ chức các cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác có nhu cầu nhập khẩu gạo.
Bộ Công Thương hiện đang tổ chức Đoàn Xúc tiến thương mại tại thị trường Algeria và Maroc. Đặc biệt, Bộ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 3/7/2013 của Bộ trưởng về một số nhiệm vụ, giải pháp tiêu thụ gạo và thủy sản và tiếp tục thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại gạo tại thị trường trọng điểm Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục định hướng hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc xây dựng thương hiệu gạo và triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng cơ chế gắn kết sản xuất với thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo sẽ giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gạo, từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo hàng hóa trên thị trường.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Uyên Hương
vietnam+
|