Thứ Hai, 04/11/2013 08:47

Tỷ lệ hợp đồng xuất khẩu gạo chính phủ giảm mạnh

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tỷ lệ hợp đồng xuất khẩu gạo ký qua kênh chính phủ đang giảm mạnh, từ chỗ chiếm đến 44% tổng lượng gạo xuất khẩu (9 tháng đầu năm 2011) chỉ còn hơn 13% trong 9 tháng đầu năm 2013.

Nông dân thu hoạch lúa trên đồng

Nhìn vào cơ cấu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 quí đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với 1,76 triệu tấn, chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ. Nhưng đây là thị trường nhập khẩu chủ yếu qua kênh tư nhân.

Các thị trường truyền thống các năm trước chỉ nhập khẩu thông qua kênh hợp đồng cấp chính phủ như Philippines trong 3 quí qua chỉ nhập 353.000 tấn, chiếm 6,6% tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, giảm đến 66% so với cùng kỳ; Malaysia chỉ mua 348.000 tấn, chiếm tỷ lệ tương tự, giảm đến 36% so với cùng kỳ.

Khách hàng chính của Việt Nam là các thị trường nhập khẩu truyền thống thông qua kênh này như Indonesia, Philippines, Malaysia. Tuy nhiên các nước này đang giảm nhập khẩu do họ ngày càng tăng khả năng tự túc lương thực cũng như tăng cường vai trò doanh nghiệp nhập khẩu gạo tư nhân, thay vì nhà nước như trước đây, theo ông Nguyễn Đình Bích, một chuyên gia về thị trường lúa gạo.

Theo một quan chức của VFA, số doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng vì hợp đồng chính phủ giảm mạnh là khá lớn.

Báo cáo kết quả kinh doanh quí 3-2013 cho thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long giảm đến 35% so với quí 3-2012. Trong kết quả giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổng giám đốc công ty cho biết lý do hàng đầu dẫn đến sự sụt giảm trên là hợp đồng tập trung cấp Chính phủ ký kết chiếm tỷ trọng thấp, ảnh hưởng đến sản lượng gạo bán ra trong quí của công ty.

Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long, trước khi cổ phần hóa, tiền thân là Công ty Lương thực thực phẩm Vĩnh Long, một doanh nghiệp nhà nước thành viên của Vinafood 2, đơn vị tham gia đấu thầu đối với các hợp đồng xuất khẩu gạo cấp chính phủ.

Sau khi cổ phần hóa, mặc dù không còn là thành viên của Vinafood 2, công ty vẫn là thành viên của VFA và được chia một số lượng nhất định trong khối lượng gạo ký trong hợp đồng cấp chính phủ mà Vinafood 2 đã ký được. Đây là cơ chế phân bổ đã được ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA giải thích với báo giới.

“Mặc dù hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia sân chơi xuất khẩu gạo nhưng đa phần các thành phần tham gia xuất khẩu vẫn là các doanh nghiệp quốc doanh hoặc cổ phần hóa, đã quen với việc thụ động nhận phân chia hợp đồng cấp chính phủ và bị ảnh hưởng ngay khi số hợp đồng này giảm”, một chuyên gia về thị trường lúa gạo cho biết.

Sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào hợp đồng cấp chính phủ còn thể hiện ở yếu tố tâm lý, chuyên gia nói trên cho biết. Trong tháng 10, Vinafood 2 đã trúng thầu cung cấp 120.000 tấn gạo cho Philippines, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng theo đó tăng lên khoảng 10%, theo thông tin của VFA. Tuy nhiên, việc tăng giá này có kéo dài hay không cũng phụ thuộc vào các hợp đồng sắp tới.

Trao đổi tại một hội thảo về lúa gạo gần đây, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA cho hay, nếu trong hai tháng còn lại của năm Việt Nam không tiếp tục ký được hợp đồng cấp chính phủ nào thì nguy cơ Việt Nam sẽ không xuất khẩu đến 7 triệu tấn gạo như đã dự báo, đi cùng với đó là khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi "chạy đua" chỉ tiêu kinh doanh cuối năm.

Theo báo cáo kết quả giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VFA, từ ngày 1 đến 24-10, các doanh nghiệp ký hợp đồng 222.410 tấn, trị giá 94,192 triệu đô la Mỹ theo giá FOB (giao hàng tại mạn). Từ đầu năm đến ngày 24-10, khối lượng xuất khẩu đạt 5,419 triệu tấn, trị giá trên 2,3 tỉ đô la Mỹ (giá FOB), giảm tương ứng khoảng 14% và 17% so với cùng kỳ.

Phạm Thái

tbktsg

Các tin tức khác

>   Gạo ồ ạt chảy sang biên giới (04/11/2013)

>   Ngành chè bế tắc vùng nguyên liệu (03/11/2013)

>   Khó khăn bủa vây ngành cà phê! (03/11/2013)

>   DN cà phê cần chiến lược mới (02/11/2013)

>   Ngành càphê đối mặt nhiều khó khăn trong vụ mới (01/11/2013)

>   Giá đường tiếp tục giảm (01/11/2013)

>   Tiêu thụ lúa gạo trông chờ thương lái (01/11/2013)

>   Thái Lan chi 1,9 tỷ baht cho chương trình trợ giá gạo (31/10/2013)

>   Doanh nghiệp FDI dần “thôn tính” thị trường cà phê (31/10/2013)

>   Xuất khẩu điều tăng nhờ nhập khẩu nguyên liệu (31/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật