Thứ Hai, 04/11/2013 14:09

Nông nghiệp: Bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối

Sớm gặt hái thành quả vang dội giúp xoay chuyển tình thế trong gần 30 năm đổi mới, song những tác động chưa từng có từ thị trường thế giới đang khiến bức tranh nông nghiệp Việt Nam xuất hiện nhiều mảng màu tối.

Vì vậy, cùng với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế - một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội cùng xã hội đang rất quan tâm - tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng chất ngành này hiện trở thành vấn đề cấp thiết.

Hệ thống dày đặc các thương lái và hàng loạt chủ thể trung gian khác trước khi lúa gạo đến được địa chỉ tiêu thụ cuối cùng khiến lợi nhuận sản xuất lúa gạo bị chia năm sẻ bảy

“Nông suy bách nghệ bại”?

Nói đến gần ba thập kỷ đổi mới đã qua, dù có khắt khe đến mấy cũng không thể phủ nhận đó là thời kỳ cực thịnh của nông nghiệp Việt Nam.

Bởi lẽ, ngay trong 3 năm đầu phát động công cuộc đổi mới, chúng ta vẫn thiếu đói, vẫn phải nhập khẩu gạo.

Nhưng năm 1989, Việt Nam đã vươn vai đứng dậy, hiên ngang với vị thế của quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới.

Từ đó tới nay, với quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, vị thế cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới càng được khẳng định. Bên cạnh đó, hầu như từ những con số 0, Việt Nam lần lượt trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê số 2 thế giới, rồi cường quốc số 1 về hồ tiêu, hạt điều và chiếm không ít vị trí đáng nể ở nhiều loại nông sản chủ yếu khác.

Thế nhưng, trong điều kiện xuất khẩu với quy mô ngày càng lớn như vậy, đương nhiên, những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của thị trường thế giới cũng ngày càng tăng.

Các số liệu thống kê và dự báo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, giá nông sản thế giới năm 2012 đã giảm 7,2% và năm nay sẽ giảm tiếp 6%. Năm 2014, khả năng giá nông sản tiếp tục giảm 2%.

Đây chưa phải là kỷ lục cả về thời gian lẫn cường độ sốt lạnh của thị trường nông sản thế giới, nhưng lại là thời đoạn nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có trong 30 năm qua.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm liên tục sốt lạnh kỷ lục của giá nông sản thế giới 1997 – 2001, với tổng mức giảm 33,7%, giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế của nước ta vẫn tăng khá.

Thế nhưng, năm 2012 mới là lần đầu tiên “rổ hàng nông sản” của nước ta đã bị “co lại”. Mức giảm đó là 15.700 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 1,5%. Trong đó, khu vực trồng trọt “rơi tự do” 43.500 tỷ đồng và 7,5% (các khu vực khác tăng 27.700 tỷ đồng).

Tới thời điểm này, các số liệu cho thấy, gần như chắc chắn năm nay và rất có thể là cả năm 2014 sẽ lặp lại hiện tượng đó.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nông nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường thế giới, nên tác động của sốt lạnh ngày càng mạnh hơn.

Rõ ràng, trong điều kiện dân cư nông thôn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, sự “co lại” của giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế đồng nghĩa với thu nhập của khoảng hơn 1/3 dân cư cả nước bị giảm mạnh. Sức mua của thị trường này và thị trường trong nước nói chung ngày càng yếu hơn. Nền kinh tế cũng vì vậy mà thiếu động lực khôi phục đà tăng trưởng.

Nông dân giỏi và nhà buôn tồi

Cho dù những tác động tiêu cực của thị trường thế giới là rất lớn, nhưng khi hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới, thì đó là phần tất yếu của “cuộc chơi”, tức chúng ta buộc phải đối mặt.

Thế nhưng, nếu tự soi mình, thì không thể phủ nhận những bất cập rất cơ bản là do chính chúng ta đã đẩy nông dân vào tình huống ngày càng khó khăn như vậy. Đó chủ yếu và trước hết là:

Thứ nhất, hệ thống tổ chức sản xuất lại vẫn thuộc loại lạc hậu. Tiêu biểu nhất có lẽ là mặt hàng nông sản chiến lược lúa gạo. Trong khi diện tích lúa trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn nằm dưới ngưỡng 5% của thế giới, còn năng suất vào “đêm trước vươn vai trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn” cũng chưa bằng 90% năng suất bình quân của thế giới, nhưng năm 2012, Việt Nam đã vượt trên 28,1%.

Thực tế đó có nghĩa là, chìa khoá để đạt được kỳ tích cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới chính là những tiến bộ vượt bậc trong thâm canh lúa của nông dân với sự hỗ trợ đắc lực của các nhà khoa học.

Đây cũng là bức tranh chung của những loại nông sản xuất khẩu chủ yếu khác. Mặc dù vậy, sản xuất nông sản nói chung vẫn hết sức manh mún, mạnh ai nấy làm theo tập quán, kinh nghiệm.

Thứ hai, hệ thống phân phối càng bất cập hơn.

Chẳng hạn, đối với nông dân trồng lúa, ở phía đầu vào là tầng tầng lớp lớp các chủ thể phát luồng, bán buôn các cấp, bán lẻ và vô số các cửa hàng đại lý mọc lên như nấm; ở phía đầu ra là hệ thống dày đặc các thương lái và hàng loạt chủ thể trung gian khác trước khi lúa gạo đến được địa chỉ tiêu thụ cuối cùng.

Với “trận đồ bát quái” đó, giá vật tư bị đẩy lên, lợi nhuận trong sản xuất lúa bị “chia sẻ”. Tương tự, không chỉ lợi nhuận trong tiêu thụ lúa gạo cũng bị “chia sẻ”, mà còn không kiểm soát được chất lượng. Song, điều nhức nhối nhất trong hoạt động tiêu thụ hàng nông sản những năm qua lại là “căn bệnh kinh niên bán rẻ”, nếu không phải là tất cả, thì chí ít cũng ở nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu.

Chẳng hạn, sản lượng quy gạo năm 2011 tăng rất mạnh (1,55 triệu tấn) và giá cũng tăng rất mạnh (62 USD/tấn), nhưng lượng xuất chỉ tăng không đáng kể, cho nên đương nhiên năm 2012 phải đẩy mạnh xuất khẩu khi giá đã giảm mạnh (47 USD/tấn).

Thật đáng buồn là nghịch cảnh như vậy không hiếm trong bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam 25 năm qua. Đó cũng là tình trạng của không ít nông sản khác.

Trong bối cảnh như vậy, khi các thương nhân vẫn thu được lợi nhuận, thì đương nhiên, phần thua thiệt đã được đẩy sang phía nông dân và lợi ích của quốc gia cũng không được bảo đảm.

Do vậy, tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tới không chỉ bao gồm việc tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, mà còn phải khắc phục những mảng màu tối trong bức tranh rất đỗi huy hoàng đó để đẩy lên một trình độ phát triển cao hơn.

Nguyễn Đình Bích

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ hợp đồng xuất khẩu gạo chính phủ giảm mạnh (04/11/2013)

>   Gạo ồ ạt chảy sang biên giới (04/11/2013)

>   Ngành chè bế tắc vùng nguyên liệu (03/11/2013)

>   Khó khăn bủa vây ngành cà phê! (03/11/2013)

>   DN cà phê cần chiến lược mới (02/11/2013)

>   Ngành càphê đối mặt nhiều khó khăn trong vụ mới (01/11/2013)

>   Giá đường tiếp tục giảm (01/11/2013)

>   Tiêu thụ lúa gạo trông chờ thương lái (01/11/2013)

>   Thái Lan chi 1,9 tỷ baht cho chương trình trợ giá gạo (31/10/2013)

>   Doanh nghiệp FDI dần “thôn tính” thị trường cà phê (31/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật