Thu hút FDI: Hãy làm cho tới
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm nay đã đạt 19,2 tỉ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Đầu tư Nước ngoài. Dựa trên đà tăng trưởng hiện tại và các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục để nhận giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định vốn FDI đăng ký trong năm nay sẽ vượt mức 20 tỉ USD.
Không chỉ vốn FDI đăng ký tăng mạnh, FDI giải ngân cũng tăng và đã đạt xấp xỉ 10 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là hầu hết vốn FDI trong năm nay đều đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong khi vốn đăng ký vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Vậy những yếu tố nào đã góp phần giúp FDI tăng mạnh trong năm nay? “Đây là kết quả của cả một quá trình đàm phán lâu dài giữa các nhà đầu tư và các cơ quan chính phủ nhằm tháo gỡ từng vướng mắc một cho các dự án lớn”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận xét. Theo ông Mại, các dự án lớn luôn nhận được sự ưu ái từ các cơ quan có thẩm quyền.
Trên thực tế, có tới phân nửa số vốn FDI đăng ký trong 10 tháng qua nằm trong 7 dự án lớn có vốn đăng ký trên 1 tỉ USD. Riêng Tập đoàn Samsung, từ đầu năm đến nay, đã đăng ký đầu tư thêm 4,2 tỉ USD vào Thái Nguyên và Bắc Ninh. Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỉ USD và dự án nhiệt điện Vĩnh Tân có số vốn đăng ký 2 tỉ USD.
Việc thu hút được vốn đầu tư cho các dự án lớn là điều đáng mừng. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư cho rằng Chính phủ không thể cứ liên tục đi giải quyết khó khăn, vướng mắc của từng dự án một. Thay vào đó, cần phải có một chính sách nhất quán đối với việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Ông Naoki Sugiura, Giám đốc Kế hoạch Panasonic Việt Nam, cho biết ông chưa nhìn thấy rõ sự cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam và các chính sách không nhất quán giữa các cơ quan địa phương đang gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Tại cuộc họp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hơn 50 doanh nghiệp Nhật cách đây 2 tuần, các nhà đầu tư đều cho rằng khi hàng rào thuế quan trong khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2018, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lựa chọn nơi nào có lợi thế cạnh tranh nhất để đầu tư. Họ thường ưu tiên rót vốn vào những quốc gia có khả năng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và có chính sách tốt.
Đáng buồn là “xét trên những yếu tố này, Việt Nam vẫn đang bất lợi hơn so với các nước khác trong khu vực,” ông Mitsuhiko Lino, Chủ tịch Công ty Toyo Drilube có nhà máy tại Hà Nam, nhận xét.
Có tới phân nửa trong tổng số vốn FDI đăng ký trong 10 tháng qua là nằm trong 7 dự án lớn có vốn đăng ký trên 1 tỉ USD.
Sự phục hồi của dòng vốn FDI trong năm nay không có nghĩa môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Theo kết quả khảo sát môi trường kinh doanh quý IV năm nay của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vẫn dừng ở con số 50. Số điểm này có cao hơn 5 điểm so với một năm trước đây, nhưng vẫn thấp hơn 29 điểm so với mức cao nhất vào quý I/2011.
“Môi trường đầu tư hiện đã ổn định hơn nhờ lạm phát ổn định và chính sách tiền tệ cũng vậy. Nhưng những rào cản cơ bản liên quan đến chính sách và hạ tầng lại không có nhiều chuyển biến,” ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét.
Hồi tháng 9, Chính phủ đã ra Nghị quyết về tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, thông qua việc thay đổi một loạt các quy định. Thế nhưng, phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo.
Thùy Trang
ncđt
|