Đại gia bất động sản cắn răng biếu không trăm tỷ cho EVN
Hàng loạt chung cư, khu đô thị tại Hà Nội đang phải “biếu không” hàng trăm tỷ đồng cho EVN Hà Nội khoản vốn đầu tư lưới điện. Nếu không, các đại gia này sẽ lỗ to khi cố bán lẻ điện cho dân theo chính sách hiện hành.
Sở Công Thương TP. Hà Nội cho hay, qua khảo sát việc quản lý kinh doanh điện tại 25 dự án khu đô thị, chung cư, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, đã có 6 dự án nhà ở thương mại được chủ đầu tư bàn giao tài sản lưới điện cho ngành điện không hoàn vốn.
Đó là khu nhà ở An Lạc ở thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm; tòa nhà Xuân Thủy ở 173, Xuân Thủy Cầu Giấy; tòa nhà Công ty CP tư vấn điện 1, km9, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; tòa nhà Fodacon tại khu đô thị Bắc Hà, Nguyễn Trãi, quận Hà Đông; khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính và Khu đô thị Xa La, Hà Đông.
Cùng đó, rất nhiều dự án được chủ đầu tư cho ngành điện “mượn” lưới điện để kinh doanh bán điện trực tiếp cho dân. Các chủ đầu tư này tạm thời chưa bàn giao tài sản lưới điện cho Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) do vướng mắc về hồ sơ và thủ tục hoàn vốn.
Độc quyền, EVN Hà Nội đang "ép" các chủ đầu tư BĐS bàn giao miễn phí tài sản lưới điện (ảnh minh họa).
|
Trong số này, có các dự án chung cư cao cấp, các trung tâm thương mại sang trọng như tòa nhà The Garden, tòa nhà Crown Plaza, Làng Việt kiều châu Âu, Trung tâm thương mại Vinaconex, tòa nhà Sông Đà, tòa nhà 88 Láng Hạ, Hà Nội Tower, Hà Nội Melia...
Ông Đàm Tiến Thắng, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương chia sẻ: “Trong các vụ bàn giao và tiếp nhận hệ thống điện ở các tòa nhà, chung cư, khu đô thị này, ngành điện đang được hưởng lời hàng trăm tỷ đồng. Các chủ đầu tư nhà đất và hàng nghìn hộ dân chịu thiệt”.
Lý do bởi Tổng công ty Điện lực Hà Nội vin cớ là không xác định được tài sản đầu tư lưới điện - do khách hàng mua nhà đất đóng góp hay do chủ đầu tư dự án bỏ vốn - nên thường yêu cầu không hoàn vốn thì mới tiếp nhận.
Cá biệt có nơi, EVN Hà Nội còn không muốn tiếp nhận công trình ở giai đoạn đầu do non tải, vận hành kém hiệu quả và chỉ tiếp nhận khi chủ đầu tư chấp nhận không hoàn vốn, có đủ hồ sơ, có phụ tải sử dụng điện phải đạt từ 25% công suất trở lên. Vì thế, đã có trường hợp, muốn ngành điện tiếp nhận lưới điện dự án, các chủ đầu tư nhà ở phải cật lực “lobby”.
Theo chính sách hiện hành, chủ đầu tư khu đô thị, tòa nhà hoàn toàn có thể xin cấp phép để kinh doanh bán lẻ điện. Tuy nhiên, mức chiết khấu mà ngành điện “để lại” cho các chủ đầu tư tòa nhà chỉ là mức chênh lệch 2,4% đến 2,58% giữa giá mua buôn đầu vào với giá bán lẻ cho dân theo bậc thang quy định. Mức chênh lệch này không tính đến yếu tố tổn thất điện năng trên đường dây, sai số công tơ đo đếm khi bán lẻ thường trên dưới 2%.
Ông Thắng cho biết, với chính sách đó, hầu hết các chủ đầu tư dự án đều bị lỗ nặng khi bán lẻ điện. Mắc kẹt như vậy, các chủ đầu tư tòa nhà chỉ còn con đường lựa chọn duy nhất là phải bàn giao lưới điện cho EVN Hà Nội và đa phần, phải biếu không.
“Rõ ràng, có chuyện ngành điện độc quyền, cầm chắc thế khó của các chủ đầu tư bất động sản nên ‘ép’ các chủ đầu tư này bàn giao tài sản miễn phí. Trong khi, vốn đầu tư hạ tầng lưới điện trung bình mỗi dự án là hàng chục tỷ, bao gồm cả tiền huy động của các hộ dân mua nhà, mua đất”, ông Thắng đánh giá.
Ví dụ như ở khu nhà ở Xa La, Hà Đông do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1, tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, mới đây đã bàn giao “biếu không” cho điện lực tài sản lưới điện trị giá 60 tỷ đồng. Hạ tầng lưới điện đã được đầu tư bao gồm 2.470m đường dây trung áp, điện áp 24 và 35 kV, 12 máy biến áp tổng công suất 13.750 KVA, cùng với hệ thống hạ áp như 45 tủ biến áp và 6.539m cáp ở khu liền kề biệt thự, 11 tỷ đổng phân phối, 316 tủ chia tầng, 12.201m cáp hạ áp... Tổng khách hàng sử dụng điện ở đây là 5.079 hộ.
Khi tiếp nhận không hoàn vốn, EVN Hà Nội đã nghiễm nhiên được kế thừa toàn bộ tài sản lưới điện lên tới 60 tỷ đồng cùng một lượng khách hàng tiêu thụ điện rất lớn mà không phải bỏ một đồng vốn đầu tư nào.
Tương tự như vậy, công ty TSQ Việt Nam, chủ đầu tư của Làng Việt kiều châu Âu - khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông cho biết, đơn vị đã đầu tư tới 80 tỷ đồng cho hệ thống lưới điện. Hạ tầng này bao gồm 500m dây trung áp điện áp 22kV, 3 máy biến áp có tổng công suất 5.000 KVA, 3 máy biến áp 2.000kVA, 1 máy 1.000KVA cùng rất nhiều trụ phân phối điện hiện đại, hệ thống thanh dẫn... Tổng số hộ đang sử dụng điện là 800 hộ.
Hay như tòa nhà ở An Lạc ở Từ Liêm, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hà đã chi mất 16,8 tỷ đồng để đầu tư lưới điện, trong đó, có 3.600m dây hạ áp cho các 30 doanh nghiệp và 3.500m dây điện hạ áp cho 228 hộ dân.
Nếu tới đây, khu đô thị, tòa nhà này phải bàn giao lưới điện cho EVN Hà Nội theo kiểu "không hoàn vốn", nghĩa là các chủ đầu tư sẽ phải chịu mất trắng hàng chục đồng. Còn EVN Hà Nội, với vị thế “độc quyền” và “làm cao”, bỗng nhiên được hưởng lợi, không mất chi phí đầu tư lưới điện.
Trước tình hình này, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến nghị lên UBND TP. Hà Nội và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cần sửa đổi lại chính sách giá điện theo hướng: tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án điện có thể tham gia kinh doanh điện, tăng chiết khấu từ 2% hiện nay lên 5%.
Mặt khác, phần kinh phí đầu tư lưới điện, ngành điện cần phải có trách nhiệm hoàn trả lại, nếu tài sản lưới điện là do huy động vốn từ các hộ dân mua nhà, mua đất thì ngành điện cần hoàn trả theo hình thức trừ dần vào hóa đợn tiền điện hàng tháng. Như vậy sẽ giảm được giá bán hoặc thuê nhà, đất tại các khu chung cư, trung tâm thương mại, khu đô thị.
Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn riêng về việc bàn giao và tiếp nhận lưới điện tại khu vực này, đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho các bên tiêu dùng và kinh doanh điện.
Phạm Huyền
vietnamnet
|