Thời gian sở hữu chung cư - thế nào là phù hợp?
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng soạn thảo dự kiến có 2 phương án sở hữu nhà chung cư: không quy định thời hạn hoặc có quy định thời hạn. Thông tin về việc giới hạn thời hạn sở hữu chung cư đã gây xôn xao dư luận, nhất là với những người đã mua căn hộ chung cư.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia về nhà ở và bất động sản, quy định thời hạn sở hữu đối với nhà chung cư là một bước tiến trong các quy định pháp luật về nhà ở và bất động sản ở nước ta. Bởi quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng. Theo Trưởng ban kỹ thuật, Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Chủng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, thời hạn sử dụng của chung cư thường được quy định là 80 năm. Sau thời hạn này, nếu như xảy ra sự cố thì chủ đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm mà những người sử dụng sau sẽ phải xử lý. Hoặc Nhà nước sẽ thu hồi và tiến hành cải tạo, sử dụng chung cư tùy theo tình hình thực tế.
Từ phân tích này có thể thấy, nếu như sau thời hạn danh định của một chung cư, nếu có sự cố gì, người sở hữu sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Do đó, nếu như quy định thời hạn sở hữu đối với chung cư phù hợp thời hạn danh định trung bình của chung cư, có thể hiểu là căn chung cư đó được bảo trì trách nhiệm toàn bộ thời gian người dân sở hữu nó. Đồng quan điểm này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, quy định thời hạn của chung cư sẽ giúp cho việc cải tạo, sửa chữa loại nhà ở này sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề quan trọng là làm rõ được những quy định này để người dân cùng hiểu. Hiện nay, nhiều chung cư đã cũ nhưng rất khó cải tạo vì sở hữu từng căn hộ thuộc về người dân, nên khi muốn cải tạo lại chung cư phải bố trí nơi ở mới rộng hơn cho họ.
Nhưng, ở phía chủ đầu tư và những người dân đã và đang sở hữu một căn chung cư có không ít băn khoăn khi được biết phương án sở hữu có thời hạn. Do tập quán an cư lạc nghiệp, nên người dân thường muốn được sở hữu vĩnh viễn khi mua căn hộ chung cư. Mặt khác, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đưa ra quy định có thời hạn nhưng lại có 3 mức khác nhau: mức chung 70 năm, mức thứ 2 là theo thời hạn cho thuê đất và mức thứ 3 là không thời hạn khi quyền sử dụng đất hợp pháp. Như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường chung cư, những căn chung cư có thời hạn sẽ khó bán, bị ép giá, còn chung cư sở hữu không thời hạn giá lại bị đẩy vọt lên. Ngoài ra có thể dẫn tới tình trạng xin - cho để từ có thời hạn được chuyển thành không thời hạn. Đã từng có ví dụ nhãn tiền từ dự án Eurowindow tại Hà Nội. Phần căn hộ có thời hạn sở hữu vĩnh viễn được bán hết nhanh, trong khi phần căn hộ sở hữu 50 năm chẳng ai mua. Những căn hộ này chỉ bán được sau khi chủ đầu tư xin chuyển đổi thành sở hữu vĩnh viễn. Vì vậy, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư thì phải quy định thống nhất, nhằm tạo sự công bằng cho các chủ đầu tư và người mua nhà.
Việc lựa chọn phương án sở hữu chung cư như thế nào sẽ do các ĐBQH quyết định khi dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được trình ra QH. Nhưng để đi đến bước cuối cùng đó, cơ quan soạn thảo cần tham khảo thêm ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia để mỗi quyết định đều mang giá trị thực tế cao, tránh tình trạng quy định không phù hợp với thực tế cuộc sống. Trong đó, yêu cầu bắt buộc đầu tiên là minh bạch thông tin và không tạo kẽ hở cho cơ chế xin - cho.
Thu Thùy
đại biểu nhân dân
|