Thứ Tư, 06/11/2013 14:34

Tăng trưởng tín dụng và sức ép kênh dẫn vốn

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù những tháng còn lại kinh tế vẫn còn khó khăn, NHNN vẫn tiếp tục điều hành linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đảm bảo tín dụng tăng trưởng khoảng 12%.

Quyết liệt giảm lãi suất

Điểm khác biệt trong điều hành lãi suất, tín dụng 2 năm trở lại đây được các chuyên gia nhận định đó là NHNN điều hành chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là mục tiêu của Chính phủ về mức độ tăng lạm phát. “Sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt của cơ quan quản lý trong điều hành chính sách lãi suất đã giúp thị trường thiết lập mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cũng như DN lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy TTTD”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Tín dụng cho nền kinh tế đang hồi phục

Thực tế, sau những giải pháp quyết liệt của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm mạnh. Từ mức 20-25%/năm, lãi suất cho vay đã được kéo xuống còn khoảng từ 9 -11,5%/năm, về gần mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Đây là điều kiện tốt để các DN sản xuất, kinh doanh tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Bản thân các NHTM cũng thừa nhận các chính sách điều hành quyết liệt của NHNN đã tạo sự ổn định trên thị trường tiền tệ mà cụ thể lãi suất, tín dụng ổn định nhanh hơn kỳ vọng. Trong bối cảnh lạm phát ở mức trên 18% (năm 2011), lãi suất duy trì ở mặt bằng cao, mà chỉ trong 2 năm NHNN đã góp phần quan trọng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, đồng thời bơm đủ vốn “rẻ”, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Cái hay của bác sỹ là sự phối hợp liều lượng thuốc thế nào để giúp người bệnh hồi phục mà không để thuốc gây tác dụng phụ. Với yêu cầu đó, có thể nói, 2 năm trở lại đây NHNN đã thành công khi ghìm cương con ngựa bất kham – lạm phát”, lãnh đạo một NHTM nói. Tính đến cuối tháng 10, TTTD toàn hệ thống đạt ở mức 7,02%. Có thể TTTD của cả hệ thống năm 2013 không được con số chính xác như kỳ vọng, song, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu để đạt được con số TTTD trên trong bối cảnh kinh tế khó khăn có thể nói là một sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng.

Không chỉ điều hành giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, chậm tiêu thụ, NHNN đã tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và tạo thêm điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Nhất là việc NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại các khoản vay, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của từng đơn vị, đã giúp giảm bớt khó khăn cho cả DN và ngân hàng.

Một yếu tố quan trọng nữa là chất lượng TTTD cải thiện đáng kể, đảm bảo tăng trưởng có tính bền vững cho nền kinh tế bằng việc dồn vốn với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2 - 3%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và giảm lượng vốn cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Cần lực đẩy mới

Với mục tiêu TTTD 12% trong năm nay, thực sự là thách thức đối với ngành Ngân hàng. Bởi kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa cải thiện nhiều, tổng cầu giảm sút. Và để gỡ nút thắt tín dụng thì không thể trông chờ một mình ngân hàng. Vì, như nhận định của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, lãi suất đã không còn là rào cản giữa ngân hàng và DN mà do năng lực tài chính của DN giảm sút, thị trường thu hẹp, khả năng tiêu thụ thấp… nên việc đáp ứng các điều kiện vay vốn ngân hàng của DN bị hạn chế. Với những DN có tình hình tài chính lành mạnh, hồ sơ tín dụng tốt, lại không có nhu cầu vay vốn do đầu ra sản phẩm chưa được cải thiện, hàng tồn kho cao…

“Một mình NHNN không thể làm tốt được vai trò của mình, cụ thể về mục tiêu TTTD, khi mà tiến trình tái cơ cấu khu vực đầu tư công, DNNN chậm chạp như hiện nay”, TS. Lực bày tỏ quan điểm.

Một vấn đề khác được TS. Lê Xuân Nghĩa tỏ ra băn khoăn, đó là tình hình thu; chi NSNN năm nay gặp nhiều khó khăn. Và để tạo thêm động lực tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ đang phải thực hiện nhiều giải pháp tăng cung vốn thay cho chính sách tài khóa như: gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở; tái cấp vốn hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu thông qua VAMC; triển khai nhiều chương trình cho vay hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn...

“Tôi e ngại nếu kéo dài tình trạng như hiện nay, căn bệnh kinh niên của Việt Nam là chính sách tài khóa lấn át chính sách tiền tệ sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong tương lai. Và tôi đã nhìn thấy rõ điều này”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù những tháng còn lại kinh tế vẫn còn khó khăn, NHNN vẫn tiếp tục điều hành linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đảm bảo tín dụng tăng trưởng khoảng 12%.

NHNN sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của TCTD, đồng thời xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD năm 2013 đối với các TCTD có khả năng mở rộng tín dụng. NHNN cũng đang xem xét, trình cấp có thẩm quyền xử lý nhu cầu vốn vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định đối với nhập khẩu xăng dầu, các dự án quan trọng góp phần thúc đẩy TTTD chung của toàn hệ thống.

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã triển khai tích cực các giải pháp xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy TTTD... Nhưng đến thời điểm này, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cải thiện nhiều. Đây không chỉ là vấn đề của hệ thống ngân hàng mà là của cả nền kinh tế, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp.

Bà Hồng đề xuất: Cần sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, lưu thông dòng vốn tín dụng. Còn TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm khá gay gắt: nếu không xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách thì không thể “mơ” đến giải quyết nợ xấu, TTTD...

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 10/10/2013, dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỷ trọng 28,2%. Mức lãi suất từ 10-13%/năm chiếm tỷ trọng 49,02%; lãi suất từ 13-15%/năm chiếm tỷ trọng 15,04%; còn lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm tỷ trọng 7,73%.

Đối với lãi suất huy động, NHNN cho biết, hiện mặt bằng lãi suất trong năm 2013 cũng đang ở mức thấp tối đa 7% đối với kỳ hạn ngắn. Mặt khác, hiện mức giảm của lạm phát đã chững lại, đồng thời lãi suất VND cần duy trì ở mức hợp lý để hỗ trợ cho mục tiêu ổn định tỷ giá.


Hà Thành

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Kỳ vọng chưa tỏ tới nhà đầu tư (06/11/2013)

>   Lấy nợ "nuôi" nợ (06/11/2013)

>   Eximbank đang “thổi phồng” Tổng tài sản? (06/11/2013)

>   Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ (06/11/2013)

>   Tín dụng có thể chỉ tăng được 10% (06/11/2013)

>   Không nên cấm tặng ngoại tệ (06/11/2013)

>   Cung - cầu lệch pha, hạ lãi suất mất tác dụng (06/11/2013)

>   Người dân vẫn được nhận ngoại tệ từ kiều hối (06/11/2013)

>   “Tăng trưởng tín dụng phấn đấu tối thiểu phải trên 10%” (05/11/2013)

>   Áp lực giải ngân (05/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật