“Tăng trưởng tín dụng phấn đấu tối thiểu phải trên 10%”
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2013, tuy nhiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM ước đến cuối tháng 10 đạt 902.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so cuối năm 2012, còn khá thấp so với con số 12% đã đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu lại tăng cao, chiếm 6%; việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ vẫn chỉ ở mức nhỏ giọt. Bàn về giải pháp tăng trưởng tín dụng, phóng viên Đài TNND TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.
|
* Thưa ông, tính đến thời điểm này, tín dụng trên địa bàn TPHCM chỉ tăng khoảng 5,5% so cuối năm 2012. Từ đây đến cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có đạt được?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Nói về vấn đề tăng trưởng 12%, những tháng còn lại của năm 2013 để đạt được mục tiêu này rất khó khăn. Trong chương trình hành động của những tháng còn lại, ngân hàng nhà nước khẳng định trong cơ chế chính sách từ đây đến cuối năm sẽ không có sự đột biến, đảm bảo phấn đấu tăng trưởng tín dụng tối thiểu phải trên 10%, nếu tốt thì 12%. Riêng hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố, chúng tôi cũng đặt yêu cầu là giữ vững 12%. Để tăng trưởng như thế thì từng ngân hàng thương mại cũng như cả hệ thống ngân hàng phải phấn đấu rất nhiều. Hiện, ngành ngân hàng hoàn toàn chủ động về vốn, thanh khoản và không có gì khó khăn về vốn cả.
* Tín dụng tăng thấp, nợ xấu lại tăng cao, chiếm khoảng 6%. Trong đó nợ nhóm 5 chiếm khá cao, khoảng 70%. Ông có thể cho biết nợ nhóm 5 chủ yếu nằm trong lĩnh vực nào?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Theo con số thống kê mà chúng tôi có được thì nợ nhóm 5 chủ yếu nằm ở các công ty cho thuê tài chính và công ty tài chính. Trong đó 90% nợ nhóm 5 thuộc lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng và một phần nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà hiện nay đã ngưng hoạt động, giải thể, phá sản…
* Các ngân hàng đã có biện pháp gì để tăng cường xử lý nợ xấu, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Các ngân hàng hiện nay đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định của ngân hàng nhà nước và đã chủ động xử lý nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro. Tính đến thời điểm này, số dư quỹ dự phòng rủi ro của 14 ngân hàng cổ phần có hội sở chính trên địa bàn thành phố là gần 10.000 tỷ. Điều này đã giúp cho ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu. Một vấn đề nữa liên quan đến nợ xấu thì hiện nay ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại lập danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện, chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo việc bán nợ cho VAMC. Trong địa bàn thành phố thì có ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn vừa rồi đã bán được khoản nợ tương ứng mức dư nợ hơn 1.900 tỷ, số nợ thu hồi lại được là 1.739 tỷ. Sắp tới thì một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng sẽ tiếp tục thực hiện.
* Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hiện nay gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ mua nhà ở cho người thu nhập thấp giải ngân còn chậm, ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Vấn đề gói 30.000 tỷ, riêng về phía ngân hàng có 2 điểm nghẽn lớn. Thứ nhất, về thế chấp nhà ở xã hội và nhà ở này hình thành trong tương lai, trong các quy chế của ngân hàng nhà nước thì cho phép thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai nhưng văn phòng công chứng lại không công chứng. Theo khoản 1, điều 91 của luật nhà ở, những giao dịch về bất động sản phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhà ở này đang xây dựng nên không thể có giấy chứng nhận này. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị phải xử được điểm nghẽn này để hỗ trợ tiến độ giải ngân được thuận lợi.
Điểm nghẽn thứ hai là việc chứng minh nguồn trả nợ. Vừa qua thì các ngân hàng phản ánh là nếu cho vay trong 10 năm thì sẽ gây áp lực rất lớn cho người mua nhà. Trong Nghị quyết 02 cũng có nêu là cho vay phải tính toán đến khả năng trả nợ của khách hàng, nếu cho những người thu nhập thấp đi mua nhà ở xã hội vay trong vòng 10 năm thì rất khó, gây áp lực lớn cho việc trả nợ của khách hàng, cũng như gây áp lực lớn trong rủi ro về nợ xấu. Do đó, chúng tôi có kiến nghị là phải nâng thời hạn cho vay lên từ khoảng 15- 20 năm để đảm bảo Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng như khâu tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành đến các ngân hàng thương mại được thuận lợi.
Hà An
VOH
|