"Sẽ trả giá nếu giữ tỷ giá thấp trong khi sức mua tiền đồng suy yếu"
"Từ nay đến cuối năm, phá giá tiền đồng 1% không phải là cú sốc, nhưng mức 2% có thể gây biến động và không thể quá 2%, sẽ gây phản ứng, làm giảm lòng tin của người dân đối với tiền đồng, ảnh hưởng tới lạm phát", theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu
|
*Ông quan sát thế nào về thị trường ngoại hối hiện nay?
- Hiện tại, thị trường ngoại hối tương đối ổn định, nhưng từ nay đến cuối năm, nhu cầu về ngoại hối sẽ tăng, do phải thanh toán nhiều món nợ quốc tế, nợ của Chính phủ, nợ của các tổ chức kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa dịp Tết, trả lương, thưởng cho cổ đông nước ngoài...
Tất cả những cái đó đổ dồn lại làm tăng nhu cầu USD từ nay đến cuối năm. Không điều chỉnh tỷ giá, cung cầu sẽ không quân bình, nên từ nay đến cuối năm cần một đợt tăng tỷ giá.
Việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố sẽ phá giá tiền đồng tối đa 2% từ nay đến cuối năm với Hãng Bloomberg là hợp lý với các thành phần kinh tế.
Tất nhiên, không thể loại trừ khả năng đầu cơ, mà ngay cả khi Thủ tướng không nói thì cũng có người nhìn thấy kinh tế đang phát triển, nhu cầu ngoại tệ tăng lên vào cuối năm và vẫn đầu cơ.
Thực tế, tại những nền kinh tế phát triển, các cơ quan chức năng vẫn loan báo những điều sẽ thực hiện để các thành phần kinh tế có những bước chuẩn bị tốt hơn, thay vì đùng một cái đưa ra quyết định làm thị trường giao động.
Chính phủ dự báo mức tỷ giá có thể biến động là chia sẻ với thị trường, với các tổ chức quốc tế để họ nhìn nhận đúng về tình hình kinh tế Việt Nam.
Nhưng việc có nên phá giá 2% hay không lại tùy vào nhìn nhận của Ngân hàng Nhà nước, bởi họ quản lý ngoại hối. Theo tôi, nên giữ ở mức ít nhất là 1%, nếu cán cân thương mại và lượng ngoại hối trong tình trạng tốt.
*Giả định, phá giá tiền đồng 2% chỉ trong vài tháng cuối năm, theo ông, điều gì sẽ xảy ra ?
- Điều chỉnh tỷ giá có lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu và có thể dẫn tới lạm phát. Nhập khẩu phải trả bằng ngoại tệ, phải mua với tỷ giá cao hơn nên có phản ứng nhiều chiều. Một khi giá hàng tăng lên, hàng nhập khẩu cũng sẽ được giới hạn lại, đồng thời, giá hàng tính theo tiền đồng cũng tăng lên, ảnh hưởng tới lạm phát.
Nhưng tăng tỷ giá là cần thiết. Nếu sức mua tiền đồng Việt Nam suy yếu, phải tăng tỷ giá để nó quân bình thị trường. Nếu giữ tỷ giá ở mức thấp trong khi sức mua của tiền đồng Việt Nam suy yếu, một lúc nào đó sẽ phải trả giá.
Thị trường sẽ điều chỉnh để tiền đồng thể hiện giá trị đúng, sức mua đúng trên thị trường quốc tế. Thành ra, sớm muộn gì cũng phải làm, thà làm trước trong một mức độ ổn định hơn là làm sau trong sự bị động.
*Nhưng thị trường sẽ phản ứng như thế nào khi tiền đồng phá giá?
- Tùy vào mức độ phá giá. Bất cứ lúc nào tiền đồng phá giá, nó là dấu hiệu mất giá và người ta sẽ đi tìm những kênh đầu tư khác để đầu tư, như vàng, đô la..., một hiện tượng trốn chạy khỏi tiền đồng.
Nếu mức độ phá giá là 1% như hồi tháng 6 thì chưa phải là một biến động, nhưng phá giá 2% hoặc 3% như những năm trước, nó sẽ tạo ra những cú sốc và những phản ứng mạnh của thị trường.
*Theo ông, tiền đồng Việt Nam được định vị như thế nào so với đồng USD ?
- Quan điểm của nước ngoài cho rằng đồng Việt Nam có sự ổn định tương đối, nhất là trong hai năm vừa qua. Nhưng Việt Nam là nước nhập siêu - đó là tác động của một nền kinh tế phát triển còn non trẻ, cần nhiều nguyên vật liệu, sản phẩm của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thành ra với vấn đề nhập siêu của mình như thế, mọi người cũng kêu về chuyện phá giá tiền đồng. Nếu bây giờ phá giá tiền đồng thì cũng không phải là cú sốc, bởi thị trường đã dự trù được chuyện này rồi.
Hải Vân
Doanh nhân sài gòn
|