Quỹ đầu tư PE: Một năm nhìn lại
Chu kỳ 5 năm là khoảng thời gian chuẩn cho các thương vụ đầu tư vào các công ty cổ phần tư nhân (PE) trong nước. Năm nay, các quỹ đầu tư như Mekong Capital và VinaCapital đã lần lượt rút vốn từng phần hay toàn bộ của một số khoản đầu tư có thu nhập và cổ tức gấp 10-20 lần so với vốn ban đầu. Xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong 12 tháng tới, theo 67% ý kiến của của các doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường PE của Grant Thornton trong quý IV/2013.
Rút nhiều
Đổ vốn vào thị trường Việt Nam từ năm 2001, Mekong Capital, quỹ đầu tư PE điển hình, đã thực hiện 26 khoản đầu tư trong nhiều lĩnh vực với 25% vào ngành hàng tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã rút vốn một phần tại Thế Giới Di Động và toàn phần tại Digiworld, MK Smart và Ngo Han. Trong đó, Thế Giới Di Động là khoản rút vốn hiệu quả hơn cả.
Mekong Capital đã giảm tỉ lệ sở hữu tại Thế Giới Di Động từ 32,5% xuống còn 25,8%
|
Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF II) thuộc Mekong Capital đã hoàn tất việc rút vốn một phần khỏi Thế Giới Di Động, giảm tỉ lệ sở hữu tại chuỗi bán lẻ này từ 32,5% xuống còn 25,8%. Quỹ này cho biết thu nhập từ số cổ phần đã bán cộng với cổ tức đã đạt gấp 11 lần so với khoản đầu tư ban đầu vào năm 2007. Theo giới đầu tư tài chính, tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của quỹ này tại Thế Giới Di Động trong năm nay sẽ không dưới 40%.
Trong tháng 9 và 10, các quỹ MEF và MEF II cũng đã hoàn tất việc bán hoàn toàn khoản đầu tư tại Digiworld, MK Smart và Ngo Han. Sau khi chia tay với MEF II, tính hết quý III, doanh số của Digiworld đã đạt 2.100 tỉ đồng, tương đương doanh số của cả năm ngoái và dự kiến sẽ đạt 3.200 tỉ đồng trong năm nay, đạt mức tăng trưởng 150%.
Song song với việc rút vốn, Mekong Capital cũng đã công bố mức tăng trưởng lãi ròng trong 9 tháng đầu năm của Golden Gate và Thế Giới Di Động lần lượt đạt 73% và 49% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, chuỗi các thương hiệu ẩm thực thuộc Golden Gate đã mở thêm 12 nhà hàng (nâng tổng số trong cả nước lên 53), nên mức IRR của Mekong Capital tại Golden Gate sẽ vào khoảng 44%, theo ý kiến của một chuyên gia (không muốn nêu tên) từng hoạt động trong ngành quỹ đầu tư.
Trong khi đó, vào quý II năm nay, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc VinaCapital cũng công bố hoàn tất việc rút vốn hoàn toàn khỏi Keating Capital. Vụ thoái vốn này có giá 32,6 triệu USD, với IRR vào khoảng 34%.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết số tiền này sẽ có thể được xem xét sử dụng cho các cơ hội đầu tư PE của quỹ vào các ngành tiêu dùng, y tế, dược phẩm. Hiện nay, VOF còn nắm giữ 5 khoản đầu tư PE, trong đó có IBS (vật liệu xây dựng) đã tăng giá trị tài sản ròng (NAV) 1% và Yến Việt (tiêu dùng) chỉ 0,4%.
Rót ít
Mục tiêu rút vốn của Mekong Capital và VinaCapital là nhằm hiện thực hóa lợi nhuận của các khoản đầu tư PE sau 5 năm trở lên, rà soát lại danh mục cùng chiến lược đầu tư nhằm đón đầu các cơ hội đầu tư tiếp theo khi kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, để lên được kế hoạch đầu tư PE trong dài hạn, điểm mấu chốt là các công ty quản lý quỹ cần phải huy động được quỹ mới. Nhưng đây vẫn là vấn đề khá nan giải đối với họ.
Theo ông Andy Ho, hiện mức chiết khấu giữa NAV với thị giá chứng chỉ quỹ VOF vẫn khá cao do rủi ro từ kinh tế vĩ mô, cùng kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn mức lợi nhuận do quỹ này mang lại. Theo Công ty Chứng khoán LCF Rothschild (Anh), chuyên cập nhật kết quả hoạt động của hơn 100 quỹ đầu tư các loại trên toàn cầu, VOF hiện có mức chiết khấu 25,7% so với thị giá chứng chỉ quỹ.
VinaCapital từng khá kiên định trong kế hoạch lập quỹ mới chuyên rót vốn vào các công ty PE, với số vốn dự kiến lên tới 300 triệu USD. Ông Andy Ho từng cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với 15 nhà đầu tư và có 12 người đã ký thỏa thuận bảo mật việc tiếp xúc với các dữ liệu liên quan đến kết quả kinh doanh của VinaCapital”. Mô hình quỹ mới này có tên LPGP (Limited Partner and General Partner), với điểm khác biệt là giai đoạn giải ngân chỉ bắt đầu sau khi hội đồng đầu tư gồm các nhà đầu tư và thành viên chủ chốt của quỹ đầu tư chấp thuận toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, hiện đã gần hết năm 2013, nhưng kế hoạch lập quỹ mới được khởi động từ năm ngoái dường như vẫn giậm chân tại chỗ.
Tương tự, Mekong Capital từng lên kế hoạch khai trương Quỹ MEF III trong năm 2012 với tổng vốn huy động khoảng 150 triệu USD, nhắm vào các công ty PE có mức tăng trưởng nhanh thuộc lĩnh vực tiêu dùng. Nhưng ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, cho rằng hiện nay kế hoạch này vẫn còn “gặp nhiều thách thức”.
Một vấn đề khác cũng có thể được xem như một điểm chưa được nữa của các quỹ đầu tư PE trong năm nay là xu hướng “rút nhiều hơn rót”. Vấn đề được đặt ra là có phải các quỹ đang cạn tiền hay các công ty có mô hình kinh doanh tốt ngày càng ít đi? Theo ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Investments Group, kinh tế Việt Nam gần đây liên tục gặp khó khăn nên hoạt động của các doanh nghiệp cũng khó theo. Tìm được doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng như những năm 2005-2006 là việc không đơn giản.
Trên thực tế, vẫn có những quỹ tại Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn bất ổn như hiện nay, nếu chấp nhận rót vốn, các quỹ sẽ đưa ra yêu cầu cao hơn về cổ tức, ưu đãi và đòi hỏi được kiểm soát gắt gao hơn để đảm bảo khoản đầu tư của họ không bị thua lỗ. Đây cũng chính là lý do có rất ít thương vụ đầu tư PE thành công thời gian qua.
Gần đây, theo thông tin từ VinaCapital, Quỹ VOF đang có kế hoạch đầu tư khoảng 100 triệu USD vào 4 công ty (3 công ty thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, 1 công ty hoạt động trong ngành truyền thông). Tuy nhiên, ông Andy Ho cho biết khả năng thành công của các khoản đầu tư này chỉ vào khoảng 20%. Trong một lần trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg, ông Avinash Satwalekar, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý quỹ Vietcombank Fund Management, cho biết: “Hiện nay là thời điểm khá tốt để các quỹ đầu tư rót tiền vào các công ty PE tại Việt Nam. Nếu bỏ qua cơ hội tranh tối, tranh sáng này thì sau đó ai cũng có thể làm được”. Tuy nhiên, từ lý thuyết tới thực tế vẫn là một khoảng cách khá xa.
Vĩnh Bảo
nhịp cầu đầu tư
|