Quỹ trái phiếu chật vật khẳng định
Các quỹ đầu tư trái phiếu đang hoạt động chật vật trong bối cảnh ảm đạm của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xoay xở, đạt mức tăng trưởng khá tốt.
Trong 3 quỹ trái phiếu nội địa, chỉ có MBBF của MBCapital đạt mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) 5,9% trong vòng 7 tháng, tương đương mức tăng 10,1%/năm.
Hai quỹ còn lại đều có kết quả thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Quỹ VFF của Vinawealth trong hơn 6 tháng tính đến ngày 8/10 chỉ tăng NAV vỏn vẹn 2,36%, tương đương mức tăng 4,35%/năm. Quỹ VFB của Công ty VFM sau những tháng sụt giảm NAV đã tăng trở lại trong khoảng một tháng trở lại đây, nhưng mức tăng rất nhẹ. Trong 4 tháng kể từ khi thành lập, quỹ này chỉ đạt tăng trưởng NAV 0,7%, tương đương với mức tăng 2,1%/năm. Những mức tăng này thua xa so với kênh đầu tư cổ phiếu, khi VN-Index tăng hơn 20% từ đầu năm tới nay, trong khi có quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng 30%, thậm chí 35%.
Tăng trưởng NAV thấp khiến nhà đầu tư của các quỹ chỉ rót tiền nhỏ giọt, thậm chí là rút vốn. Trường hợp tốt nhất là MBBF cũng chỉ huy động được thêm khoảng 375.000 chứng chỉ, so với con số 5,4 triệu chứng chỉ ban đầu. VFB thậm chí giảm 1,5 triệu chứng chỉ so với con số 9,8 triệu chứng chỉ huy động được ban đầu.
Hồi đầu năm, các quỹ trái phiếu đã được chọn lựa để tiên phong cho mô hình quỹ mở, với kỳ vọng thị trường TPCP sẽ tiếp tục đi lên, khi tín dụng ngành ngân hàng tắc nghẽn kéo dài. Tuy nhiên, tình hình thị trường đã không như kỳ vọng của các quỹ này. Các ngân hàng đã ngừng việc ồ ạt mua thêm TPCP kể từ giữa năm, quay sang một số tài sản khác có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, hoặc dừng lại quan sát thị trường.
Quý IV này được dự báo tiếp tục không thuận lợi đối với thị trường TPCP. Theo chu kỳ, cuối năm luôn là thời điểm tín dụng tăng cao và các ngân hàng thường phải tập trung đảm bảo thanh khoản.
“Cơ hội để lãi suất hạ từ nay đến cuối năm rất thấp. Chúng tôi hiện chủ yếu chốt lời các khoản đầu tư từ đầu năm, hầu như không giải ngân mới vì rủi ro lỗ lúc này là rất cao”, giám đốc đầu tư của một trong ba quỹ trái phiếu nói trên chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có quỹ trái phiếu tìm ra cách để tăng trưởng khá. Cả hai quỹ VDeF A và VDeF B của Dragon Capital đều ghi nhận tăng trưởng NAV cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm: NAV của VDeF A tăng 8,7% trong 9 tháng, còn VDeF B tăng 11,5%, tương đương tăng trưởng lần lượt là 11,6%/năm và 15,3%/năm.
Theo báo cáo cập nhật hàng tháng của Dragon Capital, mức tăng tương đối tốt của VDeF B là nhờ quỹ này đã chuyển một phần đáng kể tài sản sang các tài sản liên kết cổ phiếu (equity links). Quỹ đã tăng tỷ lệ phân bổ vào tài sản liên kết cổ phiếu lên 16% so với tỷ trọng 10% hồi cuối tháng 7, trong khi giảm nhẹ tỷ lệ đầu tư vào TPCP xuống còn 76%.
Dragon Capital dự báo, thị trường TPCP sẽ tăng nhẹ trở lại trong tháng tới, cụ thể là lợi suất TPCP sẽ giảm nhẹ trở lại ở các kỳ hạn dưới 3 năm.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng cho khả năng rút nhanh trong trường hợp thị trường có dấu hiệu suy giảm”, báo cáo của Dragon Capital viết.
Hải Linh
đtck
|