“Phá giá” lãi suất cho vay
Năm 2013, hệ thống ngân hàng (NH) đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 10-2013, dư nợ cho vay chỉ mới tăng được 6,48% nên các NH đang tung chiêu “phá giá” lãi suất cho vay, kích thích khách hàng tiếp cận vốn.
Khách hàng giao dịch tại Eximbank
|
NH Phát triển Mê Kông (MDB) tung ra thị trường chương trình “Ưu đãi lãi suất vay cầm cố”.Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay tiền, tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm do MDB phát hành được hưởng mức lãi suất cho vay 1,5%/năm. Thế nhưng, khi tìm hiểu kỹ, người vay mới té ngửa bởi số tiền trong sổ tiết kiệm phải có kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên, gắn liền với mức lãi suất mà NH chi trả cho khách hàng là trên 8%/năm. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ được MDB tính bằng lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm cộng với 1,5%; tính ra, lãi suất cho vay thực tế là trên 9,5%/năm.
Trong khi đó, NH An Bình (ABBank) tung ra gói 300 tỉ đồng cho vay khách hàng cá nhân và bổ sung vốn lưu động cho hộ kinh doanh cá thể với lãi suất 8,99%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. Còn NH Bảo Việt (BaoViet Bank) gây sốc với chương trình cho vay kéo dài từ nay đến tháng 10-2014 với lãi suất chỉ 5%. NH Tiên Phong cũng triển khai 2.500 tỉ đồng cho vay ưu đãi. Theo đó, doanh nghiệp (DN) có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng mua - bán hàng hóa bằng USD hoặc VNĐ, lãi suất 9%/năm đối với VNĐ và 4,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu.
Theo các NH, do lãi suất đầu vào phổ biến từ 5%-8%/ năm cộng với chi phí kinh doanh khoảng 3%-4% nên lãi suất cho vay thấp nhất phải từ 8%-12%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua yếu, các DN chưa mở rộng sản xuất nên không có nhu cầu vay thêm vốn, từ đó dư nợ cho vay tăng chậm. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều NH cho vay với lãi suất cực thấp trong các tháng đầu để nhanh chóng giải ngân, chốt doanh số cho vay, báo cáo kết quả hoạt động vào dịp cuối năm. Sau đó, các NH sẽ cân bằng mức lãi suất trong suốt thời gian cho vay để đưa ra lãi suất hợp lý.
Thy Thơ
người lao động
|