Nợ xấu - thông nhưng chưa thoát
Sau một thời gian đắn đo, nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mạnh dạn bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để giải quyết khó khăn, làm sạch bảng cân đối kế toán. Nhưng đến nay VAMC chỉ mới “gom nợ”, còn việc xử lý vẫn phải chờ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tính đến ngày 26-11 VAMC đã mua tổng cộng 18.000 tỷ đồng nợ gốc của 21 TCTD với giá trị thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) 14.700 tỷ đồng.
Hiện đang có 24 TCTD nộp hồ sơ bán nợ cho VAMC với số nợ khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng VAMC đang rà soát, phân loại, sàng lọc các khoản nợ, nhất là lĩnh vực bất động sản để tiếp tục mua.
Các TCTD hiện nay đang tỏ ra khá tích cực trong việc ủng hộ bán nợ cho VAMC. Chủ tịch HĐQT một NHTMCP lớn cho biết NH này đang lên kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC dù nợ xấu của NH dưới mức 3% và sẽ tiến hành bán càng sớm càng tốt. Trước đây, các NH rụt rè vì ngại “mang tiếng” NH lớn mà bán nợ xấu sẽ mất uy tín. Nhưng sau khi một số NH tiến hành bán, các NH khác xem việc bán nợ xấu là chuyện bình thường, bán có lợi thì bán.
Hơn nữa, hiện nay NHNN đã có ý kiến chỉ đạo không nêu tên NH bán nợ, không nêu con số NH bán. Nợ xấu là rào cản khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp xúc các TCTD tại Việt Nam, do đó bán nợ cho VAMC để cơ cấu lại nợ xấu cũng như giảm tỷ lệ nợ xấu sẽ giúp các NH nâng cao chất lượng của bảng cân đối kế toán, tạo sức hút để chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trần tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM và quyền sở hữu bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài vẫn hạn chế, nên việc bán nợ sẽ khó thông. |
Tuy nhiên, đến nay việc mua nợ từ các TCTD của VAMC cho thấy đã thông, nhưng việc xử lý các khoản nợ mua vẫn dậm chân tại chỗ. Theo nguyên tắc, sau khi mua nợ xấu từ TCTD, VAMC sẽ có trách nhiệm xử lý bằng nhiều giải pháp như cơ cấu lại khoản nợ, cơ cấu kỳ hạn trả nợ, xử lý tài sản đảm bảo và bán lại nợ xấu.
Đối với giải pháp cơ cấu lại khoản nợ, một số NHTM cho biết khi VAMC mua nợ sẽ ủy thác lại NH những vấn đề tái cơ cấu chứ VAMC không trực tiếp tái cơ cấu. Song theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, không hiểu VAMC sẽ thực hiện ra sao bởi vì NHTM đã không thể tái cơ cấu, xử lý được khoản nợ đó mới bán nợ.
Thời gian qua các NH đã chủ động tự xử lý nợ xấu thông qua các giải pháp: Thu tiền mặt đối với những khách hàng còn trả nợ được, thu tài sản thế chấp nếu không thu được bằng tiền để cấn trừ nợ, cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của NHNN. Trong 3 giải pháp này NH gặp khó khăn nhất chính là việc xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu do quy trình pháp lý quá phức tạp, liên quan đến nhiều bên.
Thời gian xử lý tài sản đảm bảo của một khoản nợ mất 3-4 năm, có khi kéo dài đến 10 năm mới xử lý được hồ sơ. Theo thống kê, khoảng 70% khoản nợ xấu VAMC đã mua từ các TCTD thuộc lĩnh vực bất động sản, đa phần là tài sản thế chấp thuộc diện nợ xấu hiện lại đang trong tình trạng “bất động” nên việc xử lý tài sản đảm bảo không dễ dàng.
Đối với việc bán lại nợ xấu, VAMC đang kỳ vọng các nhà đầu tư trong nước được các TCTD trong nước cho vay để tham gia mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng này khó trở thành hiện thực bởi sẽ không có nhà đầu tư trong nước nào dám vay vốn để mua lại nợ xấu và cũng khó có NH nào dám cho vay để nhà đầu tư làm việc này bởi rủi ro khó lường được.
Hiện nay có khoảng 60 tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài đánh tiếng muốn tham gia mua nợ xấu của Việt Nam, nhưng VAMC sẽ khó bán nợ xấu cho các tổ chức nước ngoài vì chúng ta không có thị trường mua bán nợ, không có khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ vận hành.
Vậy nên, dù VAMC dự kiến đến năm 2014 sẽ tiến hành bán nợ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện bán nợ sẽ phải mất thời gian dài, bởi muốn bán nợ phải phát triển đầy đủ thị trường sơ cấp, thứ cấp trong thị trường mua bán nợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu.
Bảo Tùng
Sài Gòn đầu tư
|