Thứ Năm, 28/11/2013 09:37

Ngân hàng OCBC đã rời VPBank, thương vụ có hời?

Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore thông báo đã bán toàn bộ 14.88% cổ phần, tương đương 85.83 triệu cp tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân người Việt – Business Review của Singapore ngày 22/11/2013 cho biết. Theo nguồn tin trên, giá trị chuyển nhượng là 55.5 triệu USD, tức khoảng 1,171 tỷ đồng.

* VPBank: Quý 3 trích lập dự phòng gấp 3.1 lần cùng kỳ khiến lãi ròng giảm gần 9%

Đầu tư 7 năm lãi 14.4 triệu USD

OCBC chính thức trở thành cổ đông của VPBank cuối tháng 09/2006 khi Ngân hàng Nhà nước ký quyết định chấp thuận cho ngân hàng này bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Khi ấy OCBC bỏ ra 250 tỷ đồng (khoảng 15.62 triệu USD theo tỷ giá năm 2006) để sở hữu 10% cổ phần VPBank. Vào lúc bán cổ phần cho OCBC, vốn điều lệ của VPBank chẵn 500 tỷ đồng, tức OCBC đã mua cổ phiếu VPBank với giá gấp 5 lần mệnh giá.

Hai năm sau đó, tháng 08/2008, OCBC trả thêm 25.5 triệu USD để nâng sở hữu tại VPBank thêm 5%. Đầu năm nay, OCBC báo cáo thay đổi sở hữu tại VPBank khi ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng. Từ thời điểm đó cho đến khi thông báo thoái toàn bộ vốn cuối tuần trước, OCBC sở hữu 85.83 triệu cp, tương ứng 14.88% cổ phần VPBank.

Tính ra sau 7 năm nắm giữ, khoản đầu tư vào VPBank mang lại cho OCBC mức lợi nhuận 35%, một tỷ suất sinh lời chấp nhận được trong bối cảnh thị trường chứng khoán và lĩnh vực ngân hàng Việt Nam thời gian qua khá thăng trầm.

Cập bến và nhổ neo

Khi đề cập đến việc thu hút vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam, người ta nhắc đến ACB, Sacombank (STB), Techcombank, Eximbank (EIB)… và những cuộc thương lượng, trả giá đỉnh cao của những năm 2007. Ít ai biết rằng VPBank mới là ngân hàng đầu tiên bán cổ phần cho nước ngoài. Cuối năm 1995, Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý và một quỹ ngoại khác trở thành cổ đông, mỗi tổ chức nắm giữ 10% cổ phần VPBank. Đó là khoản đầu tư đầu tiên tinh khôi của Dragon Capital và nó góp phần thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực ngân hàng TMCP non trẻ của Việt Nam.

Dragon Capital đã cập bến VPBank trong 15 năm. Năm 1998-1999 chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và do buông lỏng tín dụng, VPBank bị đặt trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt. Quỹ đầu tư ngoại ra đi. Giá cổ phiếu VPBank rớt thê thảm. Một nhà đầu tư cá nhân, sau này trở thành Thành viên HĐQT VPBank khi ấy đã mua cổ phiếu ngân hàng với giá 2,300 đồng. Vậy mà Dragon Capital vẫn ở lại.

VEIL đã “chung thủy” với ngân hàng đến đầu năm 2010, thời điểm những nhà đầu tư mới đặt chân vào “miền đất” VPBank. Họ đã trả cho VEIL một mức giá quá hời so với giá thị trường, khoảng 28,000 đồng/cp. Dragon Capital chốt lời, bởi như họ nói, họ đang trong quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tham vọng

VPBank bắt đầu nổi lên như một thành viên của nhóm G12 vào cuối năm 2011. Phần lớn các thành viên HĐQT là những doanh nhân có kinh nghiệm thương trường từ Đông Âu trở về. Ông Nguyễn Đức Vinh, vốn từng nhiều năm gắn bó với Techcombank, đã ngồi vào vị trí Tổng giám đốc VPBank. Năm ngoái và năm nay, trong khi các ngân hàng khác cho nghỉ việc hàng ngàn nhân viên, VPBank tuyển dụng thêm tới con số ngàn người. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2013, lý giải về lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm 9% so với cùng kỳ, VPBank cho biết một trong những nguyên nhân do ngân hàng “gia tăng chi phí hoạt động, mà chủ yếu chi phí cho nhân viên, thông qua mô hình tổ chức mới, thay đổi tuyển dụng nhân sự”.

Vì sao VPBank lại gia tăng đội ngũ nhân viên? Thật khó để rõ ràng về chiến lược cụ thể của ngân hàng. Ông Nguyễn Đức Vinh, trong một cuộc trao đổi đầu năm với TBKTSG chỉ tóm gọn: “Chúng tôi tập trung vào khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Đối tượng này các ngân hàng đều khai thác. VPBank hướng đến phân đoạn còn trống, đó là cho nông dân, tiểu thương, những cá nhân thành thị cần tiền thực sự vay để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Từng người trong số họ vay không nhiều, nhưng nhiều người vay. Rủi ro ở đây nếu kiểm soát tốt, thấp hơn cho doanh nghiệp vay, song nó đòi hỏi nguồn nhân lực lớn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm ngoái của VPBank là 26%, thuộc nhóm cao nhất khối cổ phần. 9 tháng đầu năm nay, theo BCTC hợp nhất 3 quý đầu năm, dư nợ của ngân hàng đạt 46,786 tỷ đồng, tăng mạnh từ 36,523 tỷ đồng cuối năm ngoái. Vốn huy động của VPBank còn tăng mạnh hơn, lên 87,300 tỷ đồng so với 59,500 tỷ đồng ngày 30/12/2013. Tổng tài sản của ngân hàng cùng thời gian trên tăng 16.5%.

OCBC đã nhổ neo rời VPBank vào lúc ngân hàng đang chuyển mình. Phải chăng chỉ là sự chốt lời của một khoản đầu tư? Hay đằng sau nó là sự va chạm của những phong cách kinh doanh và những tầm nhìn? Cả VPBank và OCBC đều chưa lên tiếng về thương vụ chuyển nhượng này với thị trường Việt Nam. Có thể họ sẽ công bố trong những ngày tới.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khi Ngân hàng nhà nước kinh doanh (28/11/2013)

>   Đô la tăng vì đồn đoán? (28/11/2013)

>   Xây “Trung tâm Dữ liệu ngân hàng và Trung tâm Thanh toán quốc gia” (27/11/2013)

>   EVN tìm được đối tác thoái vốn tại ABBank (27/11/2013)

>   Đến 26/11, VAMC mua 18.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng (27/11/2013)

>   Lãnh đạo Sacombank không chuyển nhượng hàng triệu cổ phiếu (27/11/2013)

>   Vì sao nhà băng “chán” doanh nghiệp thủy sản? (27/11/2013)

>   BIDV bán khoảng 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC (26/11/2013)

>   Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi có bảo lãnh trốn nợ? (26/11/2013)

>   Được điều chuyển ngoại tệ giữa các tài khoản của một chủ tài khoản (26/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật