Khi Ngân hàng nhà nước kinh doanh
Việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) lên phương án mua lại vàng sẽ phá bỏ hình ảnh NHNN chỉ bán vàng một chiều. Song điều đó sẽ có ảnh hưởng gì đến thị trường vàng và các lĩnh vực liên quan?
Hiệu ứng tâm lí có thể đến với thị trường vàng sau tuyên bố của NHNN về kế hoạch mua lại vàng (biểu đồ diễn biến giá vàng từ tháng 11 năm 2012 đến nay)
|
Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN khẳng định tại hội thảo "Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015" vừa được tổ chức tại Hà Nội, là NHNN đang lên phương án mua lại vàng. Thời gian dự kiến mua có thể từ 6 tháng đến 1 năm tới, khi vàng giảm giá.
Khó đoán
Đối với giới tài chính, đây là một thông tin quan trọng bởi lẽ nó cho thấy những động thái điều hành chính sách quản lí thị trường vàng nói riêng, và cả thị trường tài chính nói chung của NHNN, là… khó đoán.
Nói khó đoán, nhưng thực tế không phải NHNN không từng công bố dự kiến này. Còn nhớ khi Nghị định 24/NQ-CP chính thức có hiệu lực, NHNN được trao quyền quyết định mua bán vàng miếng mở tài khoản vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng kịp thời, thì trước thời điểm NHNN thực thi đấu thầu vàng theo phiên, các thành viên trên thị trường đã rất băn khoăn không biết NHNN sẽ tham gia mua bán trên thị trường như thế nào. Sau 70 phiên đấu thầu tính đến ngày 15/11/2013, với hơn 66 tấn vàng được cung ra thị trường, hiện nay, đã không còn ai lạ lẫm với cách thức tham gia thị trường của NHNN. Dường như trong vòng hơn 8 tháng qua (kể từ tháng 3/2013), việc NHNN thực thi các vai trò nhà quản lí, cơ quan tổ chức “chợ đầu mối” và trực tiếp can thiệp giá vàng trên thị trường thông qua ấn định giá chào đấu thầu theo phiên… với mục tiêu “chống vàng hóa trên thị trường, ổn định thị trường vàng và đảm bảo quyền lợi cho nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách” đã là lựa chọn hiển nhiên.
Nhờ qua đấu thầu vàng, NHNN thu được một nguồn lớn để đóng góp cho NSNN. Do vậy, rất có thể việc NHNN tham gia mua lại vàng cũng sẽ là trên cơ sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã định, tiếp tục “chống vàng hóa trên thị trường, ổn định thị trường vàng và đảm bảo quyền lợi cho nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách”…
Hiệu ứng nào cho thị trường vàng?
Vấn đề là sự đổi vai từ người bán sang người mua của NHNN trên thị trường sẽ có những tác động ra sao?
Đối với thị trường vàng, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Cty CP Kinh doanh vàng VN chia sẻ, tác động không nhỏ. Vì hiệu ứng tâm lí có thể đến với thị trường này ngay sau tuyên bố của NHNN về kế hoạch mua lại vàng. Bởi hiện nay chỉ có NHNN mới có vàng bán cho thị trường, nói cách khác là NHNN đang độc quyền bán vàng. Khi nhà độc quyền không bán mà lên kế hoạch mua, thị trường sẽ đặt câu hỏi phải chăng NHNN đã hết vàng? Tâm lí đó sẽ đẩy giá vàng trên thị trường lên cao.
Lại nhớ chuyện cũ trước đây khi thị trường nổi sóng đẩy giá vàng lên đỉnh 49 triệu đồng/ lượng năm 2011. Vào lúc đó NHNN đã tuyên bố nhập về một lượng lớn mấy tấn vàng để bình ổn thị trường. Ngay sau đó giá vàng lập tức hạ nhiệt. Rõ ràng tác động nguồn cung từ phía NHNN có thể khiến cầu mua thị trường tăng hay giảm ngay sau đó và đó chính là sức mạnh của tổ chức nắm giữ quota xuất, nhập khẩu vàng. Vì vậy, nay cho dù NHNN khẳng định với xu thế giá vàng sẽ giảm và việc NHNN dự kiến mua lại là để tăng dự trữ ngoại hối, thì liệu thị trường có thể không phản ứng lại với thông tin này?
Phân tích đẩy giá vàng lên của ông Hải không phải không có lí.
Và những hiệu ứng... phụ
Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, cũng với dự đoán tâm lí thị trường đó, thông tin này còn còn có thể mang đến 2 hiệu ứng tưởng phụ nhưng đặc biệt quan trọng: Trước là khiến giá vàng trên thị trường nội địa có thể không tiếp tục… giảm sâu theo đà giảm của giá vàng thế giới, mà ngược lại (như đã nêu). Quan trọng hơn, điều đó khiến giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới. Sau nữa, có khả năng NHNN sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng trong thời gian tới và tỉ lệ đạt thành công sẽ cao hơn, khi có nhiều tổ chức “mạnh dạn” hơn trong việc đặt mua vàng nhằm “bắt đáy” giá vàng và đón thời điểm bán cho NHNN, đặc biệt khi đã được NHNN “bảo lãnh” mua lại vàng. “Chỉ cần xem lại số liệu cụ thể trong những phiên đấu thầu vàng gần đây, mức độ vàng bán được/ phiên của NHNN không cao, để kiểm chứng luận cứ này, sẽ thấy tác động diễn ra trên cả hai thị trường các nhà tham gia đấu thầu mua bán vàng và thị trường phân phối vàng tới người dân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Một điều chắc chắn là dù NHNN không đặt mục tiêu kinh doanh song một khi đã kinh doanh, NHNN không thể “móc tiền túi ngân sách” ra bù đắp cho hoạt động mua bán vàng nếu lỗ. Vì vậy, với 8.000 tỉ đồng lợi nhuận chuyển về cho NSNN, NHNN sẽ không thể có một đồng trích lập cho hoạt động lỗ trong tương lai (trừ cách bù đắp lỗ trên trạng thái vàng tài khoản, nếu phát sinh lỗ). Theo lẽ đó, kể cả khi mua lại, NHNN sẽ phải tính toán một mức giá mua để tránh lỗ. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường giao dịch theo giá vàng NHNN đấu thầu ra, vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới 3-4 triệu đồng/ lượng. Vậy NHNN sẽ mua lại với giá vàng nào để không lỗ khi giá mua phải thấp hơn giá vàng thế giới là một câu hỏi không đáp án, vì trong 6 tháng đến 1 năm, để giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới là một điều rất khó xảy ra. NHNN có thực sự tính mua vàng hay không, và mua với giá nào, hay sử dụng động thái nào để tránh lỗ? Câu hỏi vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác.
Một nguồn tin cho rằng với thông tin NHNN lên phương án mua vào vàng miếng, một số tổ chức kinh doanh vàng mà 2/3 trong số đó là các tổ chức tín dụng, sẽ vỗ tay. Điều đó có thể hiểu là trong trung hạn, họ đã có một “bảo lãnh” về vấn đề thanh khoản để có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2014, nếu thực sự NHNN tính mua vàng. Ở thời điểm hiện nay thì trên bề mặt thị trường, thanh khoản không còn là vấn đề của hệ thống ngân hàng dù đây đó, vẫn còn có những ngân hàng âm thầm đẩy mạnh huy động trong dân cư hoặc tiếp tục vay mượn trên thị trường 2 để vừa làm đẹp số liệu tổng tài sản, vừa có nguồn trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản cho vay trung và dài hạn đang có nguy cơ đổi nhóm lên hàng nợ 4 và 5, đồng thời chuẩn bị đồng hành cùng thị trường vào một niên độ tài chính năm mới. Các tổ chức tín dụng đã mua vàng tất toán 30 tấn, vậy có bao nhiêu số lượng vàng các tổ chức này mua không phải dùng để tất toán, nên chăng cũng là một con số cần được NHNN thống kê.
Theo quy tắc mà ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc NHNN cho hay hồi đầu năm 2013, trong kho dự trữ của mình, NHNN sẽ quy ước theo số lượng vàng chứ không quy đổi theo ngoại tệ, và khi tham gia can thiệp bình ổn thị trường vàng, giả sử NHNN bán đi một lượng thì lập tức sẽ mua về một lượng để bù lại. Chiếu quy tắc này, có thể hiểu trong 8 tháng qua, NHNN bán ra 66,3 tấn vàng, tức đã nhập về 66,3 tấn vàng? Nếu hiểu vậy nếu là chưa có căn cứ, thì liệu có thể hiểu việc NHNN dự kiến mua vàng lại bằng VND trong tương lai, cũng là một tín hiệu đáng lưu ý đối với tỉ giá tương lai trên thị trường?
Vàng tuy đã “nhạt bớt độ lấp lánh” theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Huy – Vụ Quản lí ngoại hối NHNN – song thực tế ở ta, vẫn tiếp tục lấp lánh nhiều câu chuyện khó tin với những mong mỏi kinh doanh, kiểm soát và nắm giữ vẻ đẹp của vàng.
Ông Hà Huy Tuấn -Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:
Xung quanh cách thức điều hành quản lí thị trường vàng với tổ chức đấu thầu vàng của NHNN, quan điểm của tôi cho rằng có hai hướng có thể xảy ra: Thứ nhất, có khả năng các phiên đấu thầu sẽ thưa dần và tự biến mất khi các tổ chức tham gia đấu thầu vàng không còn tiền để mua, hoặc không còn động lực để mua. Ở đây cần phải hiểu các tổ chức tham gia đấu thầu vàng chủ yếu là những tổ chức nào và tiền, tài sản của họ là của ai. Thứ hai, NHNN sẽ xóa bỏ cơ chế đấu thầu vàng khi thị trường vàng đã đi vào ổn định, mặc dù còn rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế liên quan đến thị trường này mà nếu không giải quyết triệt để, sẽ rất khó để có thể xử lí các vấn đề khác.
|
Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp
|