Thứ Năm, 21/11/2013 06:13

Nhà ở xã hội: Vướng chứng minh thu nhập

Bộ Xây dựng quy định người vay tiền mua nhà ở xã hội không phải chứng minh thu nhập nhưng ngân hàng yêu cầu chứng minh.

Thông tư 18/2013 của Bộ Xây dựng về việc mua nhà ở xã hội (có hiệu lực từ ngày 15-11) đã mở rộng cửa cho nhiều đối tượng có thể mua nhà ở giá thấp.

Thợ hồ cũng có cơ hội

Theo thông tư này, ngoài những trường hợp chưa có nhà ở, người có đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích đất bình quân 8 m2/người cũng sẽ được vay vốn.

Hai trường hợp khác cũng được xét vay vốn mua nhà ở, bao gồm: Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình, có giấy chứng nhận kết hôn; trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú, tạm trú cùng với chủ hộ.

Đặc biệt, điểm vướng mắc trước đây về việc xác nhận tình trạng “sở hữu nhà” của người vay cũng được gỡ bỏ. Theo đó, người vay chỉ cần có giấy xác nhận “chưa sở hữu nhà” do địa phương cấp là được.

Theo một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước, sau một tháng triển khai gói 30.000 tỉ đồng, Bộ Xây dựng cũng đã có những văn bản hướng dẫn triển khai gửi tới các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người hiểu chưa hết, thậm chí là hiểu sai. Trong quá trình triển khai, có những ý kiến cho rằng không thể xác định được thế nào là người thu nhập thấp nên khó để cho vay.

Vẫn còn nhiều người chưa có nhà khó tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội. Ảnh: HTD

Do đó, mục đích của Thông tư 18 chính là bổ sung nội dung, hướng dẫn thực hiện một cách rõ ràng và cụ thể Thông tư 07/2013. Dựa trên nhu cầu thực tiễn, Thông tư 18 quy định tất cả người thực sự khó khăn về nhà ở đều có thể vay vốn. Như vậy không chỉ công nhân, cán bộ viên chức... mà anh thợ cắt tóc, thợ xây cũng có thể vay vốn mua nhà nếu họ chưa sở hữu căn nhà nào hoặc có nhà nhưng diện tích sử dụng bình quân một người dưới 8 m2.

Lấy đâu ra tài sản để… mua bảo hiểm

Điều đáng nói là trong khi Bộ Xây dựng quy định người đi vay vốn ưu đãi mua nhà không phải chứng minh thu nhập thì ngân hàng vẫn bắt buộc vấn đề này.

Ông Vũ Ngọc Kình, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh TP.HCM, cho biết Bộ Xây dựng chỉ quy định các điều kiện được vay vốn, không bắt xác nhận thu nhập. Song phía ngân hàng nhất thiết phải xác định khách hàng có khả năng trả nợ hay không. Ông Kình cho rằng việc chứng minh khả năng trả nợ là việc thông thường.

“Bất kỳ một hồ sơ nào, khi quyết định cho vay, ngân hàng cũng dựa vào hai yếu tố chính: Nhu cầu vốn của khách hàng và khả năng trả nợ của họ. Nếu thu nhập thấp, khách hàng muốn vay 80% giá trị căn nhà thì khả năng trả nợ rất khó” - ông Kình nhấn mạnh.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với việc xác nhận chứng minh thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ. Thế nhưng hiện nay một số ngân hàng còn yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp mới giải ngân tiền vay. Nghĩa là người vay phải trả tiền bảo hiểm cho căn nhà mà họ… chưa mua được.

Nhận định vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết thông thường ngân hàng cho vay vốn thì yêu cầu mua bảo hiểm cho tài sản là việc bình thường và là điều tự nguyện. ACB cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm hỏa hoạn để đảm bảo cho tài sản. Bảo hiểm có chức năng phân bố rủi ro, giúp ngân hàng, người đi vay lẫn cơ quan bảo hiểm đều có lợi.

Kẹt nỗi, ông Toại cho rằng: “Đối với việc vay vốn mua nhà, chưa có tài sản thì lấy đâu ra tài sản để mà mua bảo hiểm”.

Mỹ: Tài sản thế chấp phải mua bảo hiểm

Ở Mỹ và nhiều nước, muốn vay ngân hàng thì tài sản thế chấp buộc phải được mua bảo hiểm. Việc này đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi tài sản đó gặp rủi ro như cháy nhà, lũ lụt... Mặt khác, nếu chẳng may tài sản thế chấp bị hư hỏng mà người vay không có tiền để sửa chữa thì ngân hàng đỡ thiệt nhờ bảo hiểm. Vì thế nhiều ngân hàng ở Việt Nam yêu cầu người vay thế chấp phải mua bảo hiểm cho tài sản cũng là phù hợp.

TS DƯƠNG NHƯ HÙNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM

Yên Trang

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   TP.HCM: Tháng 6.2014 chấm dứt tình trạng tạm cư (20/11/2013)

>   Kiều hối đã chán địa ốc (20/11/2013)

>   “Làm mới” dự án chung cư để bắt sóng thị trường (20/11/2013)

>   Nhà ở xã hội: Vì sao nhiều địa phương lạnh nhạt? (20/11/2013)

>   Xung đột lợi ích gia tăng (20/11/2013)

>   Tranh chấp đang nóng lên trên thị trường bất động sản (19/11/2013)

>   Nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm một nửa (19/11/2013)

>   Bộ trưởng Xây dựng: 30.000 tỷ vẫn ít nếu có cung (19/11/2013)

>   Nhà xã hội sống cùng… chung cư cao cấp (19/11/2013)

>   Hà Nội siết quản lý nhà tái định cư (19/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật