Nhà ở xã hội: Vì sao nhiều địa phương lạnh nhạt?
Trong khi Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước “sốt ruột” vì tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ chậm do thiếu nhà ở xã hội (NƠXH) cho người dân mua. Trớ trêu thay, nhiều địa phương lại tỏ ra lạnh nhạt với loại hình nhà ở này.
Phần lớn nhà ở xã hội hiện nay tập trung ở Hà Nội (ảnh khu nhà ở xã hội Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).
|
Ngụy biện
Dù cả nước có khoảng 60 dự án nhà ở thương mại nộp đơn xin chuyển sang NƠXH, nhưng số dự án được các địa phương đồng ý cho chuyển chỉ tính trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Còn các địa phương khác, mỗi tỉnh chỉ có 1-2 dự án NƠXH (TPHCM có 4 dự án).
Các địa phương thường lấy lý do việc chuyển đổi sang NƠXH sẽ tăng dân số so với quy hoạch, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng (như đường, trường học, điện, nước…). Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản (BĐS) đánh giá, đây không phải lý do cơ bản, chỉ là sự ngụy biện.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng: Cản trở lớn nhất hiện nay trong việc chuyển dự án từ nhà thương mại sang NƠXH, là các địa phương phải hoàn trả tiền sử dụng đất chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách (NƠXH được miễn tiền sử dụng đất). “Phải hoàn lại giá mức bao nhiêu, thời điểm nào...
Trong khi ngân sách các địa phương đều khó khăn, lấy nguồn đâu để trả. Do đó cần thêm quy định để điều tiết”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, nếu yêu cầu các địa phương trả tiền mặt sẽ rất khó khả thi. Nên chăng có thể quy đổi tiền đấy sang các khoản nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp nộp cho nhà nước. Việc chuyển đổi giúp dự án tiếp tục được triển khai và khoản tiền chủ đầu tư đã rót vào dự án không trở thành nợ xấu (vì dự án phải dừng triển khai do thiếu vốn).
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) nhận xét, tại TPHCM hiện còn hàng ngàn căn nhà tái định cư không bán được (do ở xa trung tâm, giá cao, diện tích quá lớn, nên không có người mua). “Số nhà này đều làm bằng vốn ngân sách, nên lãnh đạo thành phố muốn chuyển sang NƠXH để bán. Giờ nếu cho các dự án tư nhân chuyển sang NƠXH, nhà nước khó lòng cạnh tranh, nguy cơ nhà tái định cư vẫn tồn hàng”, ông Đực nói.
Cũng theo ông Đực, nhà tái định cư chuyển đổi sẽ khó hạ giá, vì nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước phải bảo toàn vốn, còn doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng hạ giá, chịu lỗ để bán được sản phẩm. Ngoài ra, theo ông Đực, nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi dự án để được chia nhỏ căn hộ, hưởng ưu đãi, không phải để đòi lại số tiền sử dụng đất đã nộp.
Chỉ muốn cứu doanh nghiệp nhà nước?
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TPHCM lại cho rằng, TPHCM ít dự án được chuyển đổi từ nhà thương mại sang NƠXH do hầu hết doanh nghiệp phát triển BĐS đều là tư nhân. Trong khi Hà Nội đa phần là doanh nghiệp nhà nước, hoặc nhà nước có cổ phần chi phối. “Hà Nội phải cho chuyển đổi để tìm lối ra cho doanh nghiệp nhà nước, còn TPHCM doanh nghiệp tư nhân lời ăn, lỗ chịu”, vị này nói.
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn được chuyển đổi sang NƠXH để được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng cho hoàn thiện dự án, với hy vọng vớt vát phần nào số vốn đã bỏ ra (hiện, các doanh nghiệp đều cạn vốn).
Còn trước đây, các doanh nghiệp ở TPHCM không mặn mà với NƠXH bởi lợi nhuận thấp (không quá 10%), thủ tục mua bán lại phức tạp. “Hơn nữa, giá nhà ở thương mại tại TPHCM cũng không quá cao, thậm chí chỉ tương đương giá NƠXH”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói thêm.
Theo các chuyên gia, NƠXH ở các địa phương ít được quan tâm một phần chỉ phù hợp với các đô thị lớn, tập trung nhiều công chức, lao động, như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương…
Hơn nữa, tại các địa phương giá nhà đất thấp. “Trừ những khu đô thị lớn, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, còn lại các địa phương khác giá đất nền không cao, chỉ vài triệu một m2. Người dân chủ yếu mua đất làm nhà riêng, hoặc chọn chung cư thương mại giá rẻ”, ông Nguyễn Văn Đực nói.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang NƠXH hiện nay không còn vướng mắc. Tuy nhiên, lý do chậm nằm ở các địa phương, Bộ chỉ có thể đôn đốc. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc chuyển đổi tại Hà Nội chưa gặp nhiều vướng mắc. “Các dự án đã cho chuyển đổi đều đang ở giai đoạn hoàn thiện đầu tư, chưa nộp tiền sử dụng đất”, ông Tuấn nói.
Theo Bộ Xây dựng, hết tháng 10/2013, cả nước có 56 dự án chủ đầu tư xin chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH (trong đó Hà Nội có 21 dự án, TPHCM có 24 dự án). Tuy nhiên, Hà Nội có 15 dự án được chấp thuận chủ trương, 3 dự án có quyết định chính thức; TPHCM có 3 dự án được chấp thuận chủ trương, 1 dự án chính thức.
|
Lê Hữu Việt
tiền phong
|