Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2013: Có nên đạt được bằng mọi giá?
Còn khoảng 1 tháng nữa để khép lại báo cáo tài chính của năm, câu chuyện tăng trưởng tín dụng lại càng trở nên nóng hơn khi mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra mới đạt được hơn 3/4 kế hoạch. Vấn đề đang đặt ra cho câu chuyện này là có nên “áp” để mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 về đích?
Nhiều dấu hiện lạc quan
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi tới Quốc hội hồi đầu tháng 11-2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Tính đến 31-10-2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012. Tuy còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Mới đây, cũng tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo cập nhật tình hình kinh tế tháng 10 và tháng 11. Kết quả cho thấy, dư nợ tín dụng hết tháng 11 ước tăng 9% và khả năng cả năm tăng 11 – 12%.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% thực sự là khó khăn
|
Như vậy, chỉ trong tháng 11, tín dụng đã tăng trưởng rất mạnh từ 7,18% lên 9%, vấn đề đặt ra là trong tháng còn lại của năm, liệu tăng trưởng tín dụng có đạt 2-3% để cả năm cán đích 11 – 12%? Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng với tình hình hiện nay và kinh nghiệm từ những năm trước thì mục tiêu đã đặt ra cho năm 2013 là khả thi.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, thực tế những năm gần đây cho thấy, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý IV: Quý 4-2010 là 9,13%, Quý 4-2011 là 5,44%, Quý 4-2012 là 6,01%. Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, cùng với các giải pháp đã và đang được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Còn theo dự đoán của TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 có thể sẽ ở mức 10 -11%. Cơ sở để vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này nhận định như vậy là lãi suất đã giảm rất mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế cũng đã ấm dần lên, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) 2 tháng liên tục ở mức trên 50 điểm đã chứng tỏ những đơn đặt hàng nhiều hơn và khả quan hơn. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa là niềm tin liên quan đến tiền đồng Việt Nam được củng cố khá mạnh mẽ thời gian qua. Và đặc biệt, yếu tố thời vụ cuối năm nhiều giao dịch, nhiều hợp đồng hơn thì nhu cầu về tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Không nên “áp” bằng mọi giá
Đánh giá cao những dấu hiệu tích cực của tăng trưởng tín dụng thời gian qua nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước không nên đặt áp lực tăng tín dụng quá nặng nề như vậy. Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, không cần thiết cố đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% bằng mọi giá, với bối cảnh hiện nay không nên đưa ra mốc này để đánh giá thành tích mà chỉ cần tăng trưởng 10% đã rất tốt. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số, mà là chất lượng, là tập trung vào xử lý nợ xấu và đừng để cho nợ xấu mới phát sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng không nên “ép” lượng cung tín dụng trong nền kinh tế. Tín dụng không chỉ phụ thuộc vào việc đẩy vốn ra từ ngân hàng mà nó còn phụ thuộc vào cầu, điều kiện sản xuất. Trên thực tế, các ngân hàng hiện đã làm hết cách để tăng trưởng tín dụng nhưng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp khá yếu.
Đứng ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, mức độ đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Trong khả năng của mình, hệ thống ngân hàng cần xem xét những doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn tốt. Nếu họ chỉ có một vài yếu tố không quan trọng thì có thể tiến hành cho vay để giải quyết nút thắt về vốn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên điều này đòi hỏi trình độ và đạo đức của các cán bộ tín dụng ngành ngân hàng.
TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích, với tình hình hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% thực sự là rất khó khăn. Hiện ngân hàng thừa vốn nhưng không cho vay được, doanh nghiệp cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Nút thắt ở đây chính là nợ xấu, giải quyết được vấn đề này là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển và việc này phải dựa vào “sức khỏe” của nền kinh tế.
Ở góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng con số 11- 12% là mục tiêu, là ngưỡng phấn đấu để thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải là nhất thiết đạt được bằng mọi giá. Cùng với đó, số lượng phải đi đôi với chất lượng, giả sử tăng trưởng tín dụng có thể đạt được 11 - 12% thì chúng ta phải đảm bảo được chất lượng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu còn cao.
PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng - Tạp chí Ngân hàng cũng cho rằng, áp lực về tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế là khá rõ rệt trong điều kiện mở rộng tín dụng an toàn và hiệu quả vẫn diễn biến chậm. Chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ do đó chỉ nên coi có tính chất định hướng thay vì cứng nhắc phải phấn đấu bằng mọi cách hay khống chế mức tăng này.
Đỗ Huyền
hải quan
|