Thứ Sáu, 29/11/2013 12:45

"Có thể yên tâm về những khoản nợ xấu sẽ thu hồi"

Đến thời điểm này, VAMC đã mua vào một lượng nợ xấu khá lớn và mục tiêu xử lý 30 đến 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay là khả thi.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân: "Tại sao các ngân hàng thương mại lại tiếp tục đem nợ xấu đến nhiều, nghĩa là bản thân họ đã không che giấu được nữa nên Ngân hàng Nhà nước đã mở cho họ một cánh cửa là hãy mang nợ xấu đến đây để bán, rồi chúng tôi sẽ thẩm định, sau đó sẽ cấp cho anh giấy để anh đến Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu, giúp anh có thêm dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế."

- Thưa ông, khi các ngân hàng thương mại dồn dập xếp hàng bán nợ xấu, chúng ta có nên lo ngại năng lực giải quyết của VAMC?

Ông Trần Hoàng Ngân: VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là Công ty xác nhận nợ. VAMC kiểm chứng lại tài sản nợ xấu của ngân hàng thương mại đang bị doanh nghiệp mắc nợ. Nếu khoản nợ xấu đó đã trích lập dự phòng 20% rồi thì khoản nợ 100 tỷ đồng chỉ được xác nhận là 80 tỷ thôi. Rõ ràng VAMC chỉ làm nhiệm vụ đó. Nó giống như trạm đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trước khi quyết định cho ngân hàng thương mại có nợ xấu vay.

Đây là là đơn vị thẩm định bước đầu về tài sản nợ xấu của ngân hàng thương mại và theo tôi, đó là một nghệ thuật rất tốt trong xử lý nợ xấu của Việt Nam.

Chứ bây giờ làm sao mà mua được nợ xấu, ai dám mua nợ xấu, người mua liệu có bán được nợ xấu không khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Cho nên tốt nhất là mình trì hoãn khoản nợ xấu đó lại một thời gian, có thể là 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm.

Và với cách làm này, bản thân ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu họ trích dự phòng 20% như vậy, rõ ràng bản thân ngân hàng thương mại có nợ xấu đã phải chịu thiệt hại rồi.

- Thế nhưng, trước khi VAMC ra đời thì bản thân các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng rồi?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng là trước khi có VAMC, bản thân các ngân hàng thương mại đã có trích lập dự phòng rồi, nhưng do việc quản lý nợ xấu là của ngân hàng thương mại nên việc thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước có khó khăn. Bây giờ, ngân hàng thương mại đem tài sản nợ xấu đến VAMC để Công ty này giữ hộ nên được coi là minh bạch.

Việc các ngân hàng thương mại tiếp tục mang nợ xấu đến với VAMC là do họ không thể che giấu được nữa và Ngân hàng Nhà nước mở cho họ một cánh cửa "thoát hiểm" tạm thời. Cách xử lý này hay ở chỗ làm giảm áp lực cạnh tranh vốn. Như chúng ta thấy, hiện nay tình trạng cạnh tranh trong huy động vốn đã giảm đi vì ngân hàng thương mại có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước.

Vấn đề hiện nay cần kiến nghị là Ngân hàng Nhà nước phải kéo giảm thêm lãi suất, tiếp tục hỗ trợ cho ngân hàng thương mại vì nếu Ngân hàng Nhà nước chiết khấu cho ngân hàng thương mại với lãi suất thấp thì các tổ chức tín dụng này sẽ có điều kiện bơm vốn ra thị trường với lãi suất thấp. Có như vậy mới giúp nền kinh tế phục hồi nhanh.

- Vậy theo ông hiện nay lãi suất bao nhiêu là phù hợp. Trong năm tới, chúng ta phải huy động hơn 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì làm sao có thể giảm được lãi suất?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thứ nhất, hiện nay với nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất khoảng hơn 4%, các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay được hưởng một khoản phụ phí.

Một điểm rất thuận lợi khác là năm 2013, lạm phát chỉ khoảng từ 6 đến 6,5% là tối đa, trong khi trước đây dự báo tới 7-8%... Như vậy, đây là cơ hội vàng để lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể kéo từ 8% xuống còn đến 6 hoặc 6,5%. Ngân sách Nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho việc trả lãi nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ sẽ phát hành trong thời gian tới.

Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn và cần có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước vì Ngân hàng Nhà nước là người giữ cung tiền. Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã làm rất tốt việc kéo giảm lãi suất rồi, nhưng còn cần phải tiếp tục kéo xuống nữa để giúp nền kinh tế phục hồi.

Như vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp hạ tiếp lãi suất, chúng ta đã kiểm soát lạm phát thì hạ tiếp được lãi suất. Khi đó nền kinh tế mới có khả năng hấp thụ được vốn. Chứ với lãi suất hiện nay, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa đạt kết quả cao.

- Liệu chúng ta có nên lo ngại doanh nghiệp biết ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng 20% nên “trây ỳ” không trả nợ cho tổ chức tín dụng?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi là không vì trước khi ký kết, Ngân hàng Nhà nước, VAMC phải thẩm định về tài sản nợ xấu, sau đó Ngân hàng Nhà nước mới coi vào giấy thẩm định và sẽ quyết định nhận bao nhiêu phần trăm trong số nợ đó, chứ không thể cấp vốn trần lan.

Trong cho vay quan trọng nhất là uy tín của doanh nghiệp. Đầu tiên của việc cho vay là anh là ai, có uy tín không nên mới xem bơm nhiều hay ít. Cho nên chúng ta cũng có thể yên tâm phần nào về những khoản nợ xấu sẽ được thu hồi.

Điểm mừng là từ khi một số ngân hàng thương mại chuyển nợ xấu sang VAMC thì đã có một số khoản nợ xấu đã thu hồi.

- Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là đến 2015 sẽ giải quyết xong nợ xấu. Vậy với cách mua bán như hiện nay có thực hiện được không thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Hiện nay Chính phủ đang có nhiều giải pháp khác bên cạnh VAMC, bản thân ngân hàng thương mại có nợ xấu cũng phải lo tự trích lập dự phòng. Nếu không bán được nợ xấu cho VAMC thì cũng vẫn phải trích lập.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã cùng với bộ ngành tạo nhiều gói kích thích kinh tế, như gói 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, gói hỗ trợ cho thị trường nhà ở, hiện đang tháo tiếp các vấn đề liên quan đến miễn giảm thuế…

Tất cả các chính sách đó đó cùng với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hợp thành bài toán tổng thể giải quyết nợ xấu chứ không phải chỉ một mình Ngân hàng Nhà nước đơn độc thực hiện.

Cùng với đó là quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vì trong nợ xấu này có nợ xấu của các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước nên cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Để làm việc này, vừa qua Chính phủ cũng đã hoàn thiện thể chế, đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn để làm sao cho doanh nghiệp Nhà nước sớm được cổ phần hóa. Doanh nghiệp Nhà nước có thể thoái vốn được ở những nơi đầu tư đa ngành. Năm 2013 cơ bản đã làm song, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu thời gian tới.

- Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh của ngành Ngân hàng thời gian qua?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thực sự ra năm qua là năm rất khó khăn về lợi nhuận của ngân hàng thương mại. Chúng ta thấy rằng dư nợ tín dụng tăng không cao, trong khi đây nguồn thu chính của ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng thương mại đang chấp nhận hy sinh khoản lợi nhuận của mình để tái cơ cấu ngân hàng, nên việc lợi nhuận ngành Ngân hàng năm nay rất thấp là điều dễ hiểu.

Nhưng vấn đề của các ngân hàng thương mại hiện nay là tranh thủ thời gian này để tái cơ cấu, nâng cao năng lực cho vay, năng lực cán bộ, năng lực tín dụng… để từ đó đón đầu cho những năm sau.

Tôi nghĩ, với sự quyết tâm của toàn ngành, từ 2015 trở đi hệ thống ngân hàng sẽ vững mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy

vietnam+

Các tin tức khác

>   Ngân hàng “đổ bộ” xuống chợ (29/11/2013)

>   Khi “khoai tây” chia tay nhà băng Việt (29/11/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước sẽ trả nợ niềm tin? (29/11/2013)

>   Hạ lãi suất cho vay tín dụng đầu tư xuống còn 10,8% (28/11/2013)

>   Tỷ giá dịu lại (28/11/2013)

>   Cổ phiếu Ngân hàng: Bao giờ nổi sóng trở lại? (02/12/2013)

>   3 nhà đầu tư chi hơn 1,100 tỷ đồng mua cổ phần VPBank từ OCBC là ai? (28/11/2013)

>   Vietinbank đã mua lại gần 3,300 tỷ đồng nợ, bảo lãnh và sẽ vào HĐQT CII (28/11/2013)

>   Vốn pháp định yêu cầu của các tổ chức tín dụng (28/11/2013)

>   Nợ xấu - thông nhưng chưa thoát (28/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật