ECB đang cân nhắc biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, tất cả các NHTW hàng đầu đều mở rộng đáng kể bảng cân đối tài sản thông qua các chương trình nới lỏng định lượng. Trong khi đó, bảng cân đối của NHTW châu Âu (ECB) lại giảm liên tục.
Không dễ dàng như NHTW Mỹ (Fed) và nhiều NHTW khác, ECB vấp phải khó khăn khi đưa ra các chương trình mua trái phiếu qui mô lớn một cách trực tiếp, mà phải thông qua hệ thống ngân hàng của từng nước thành viên. Tháng 12/2011, khi khủng hoảng lan rộng, ECB đã hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính khu vực bằng cách cấp trên 1.000 tỉ euro tín dụng lãi suất thấp thời hạn 3 năm cho các ngân hàng (LTRO).
Thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn này, ECB đã đóng vai trò là người cho vay cuối cùng nhằm ngăn chặn đổ vỡ hệ thống ngân hàng trong khu vực euro, cung cấp một lượng vốn rất lớn cho ngân hàng trong giai đoạn trung hạn. Nhờ đó, các ngân hàng không phải bán rẻ tài sản, đồng thời củng cố tính thanh khoản và tránh nguy cơ rút tiền gửi ồ ạt từ các ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng lành mạnh bắt đầu hoàn trả khoản vay LTRO, góp phần giảm nợ xấu xuống 660 tỉ euro (894 tỉ USD) từ đỉnh cao 1.100 tỉ euro.
Nhiều ngân hàng đã sử dụng các khoản tái cấp vốn này để mua trái phiếu chính phủ, góp phần tăng thu lợi nhuận và giảm lãi suất thị trường. Tuy nhiên, việc các ngân hàng tăng mua trái phiếu chính phủ đã làm tăng lượng trái phiếu phát hành. Theo số liệu của ECB, trái phiếu chính phủ so với tổng tài sản của các ngân hàng khu vực euro tăng từ 4,3% vào đầu năm 2012 lên 5,6% vào cuối tháng 8/2013. Cuối tháng 8/2013, trái phiếu chính phủ có qui mô gấp 10 lần tổng tài sản của các ngân hàng Italia, tăng 6,8% so với đầu năm 2012. Trong cùng thời kỳ, tỉ lệ này tại Tây Ban Nha tăng 6,3% lên 9,5% và tại Bồ Đào Nha tăng 4,6% lên 7,6%.
Do nắm giữ quá nhiều trái phiếu chính phủ, các định chế tài chính châu Âu đang đối mặt với rủi ro lớn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, nợ xấu ngày càng tăng, làm tăng mối quan hệ ràng buộc giữa các quốc gia và ngân hàng vốn rất dễ bị tổn thương trước vòng xoáy của các cú sốc.
Áp lực cũng hình thành từ khu vực ngân hàng và các nhà tạo lập chính sách tại những nước châu Âu bị khủng hoảng, trong khi hệ thống ngân hàng khu vực euro chưa đủ mạnh để chống lại rủi ro khi ECB rút dần các biện pháp hỗ trợ vào cuối năm 2014 tới đây, một sự bất ổn về tương lai hỗ trợ dài hạn của ECB sau khi LTRO đáo hạn có thể tạo ra những rủi ro đối với tính ổn định tài chính. Cho tới nay, các ngân hàng Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italia tiếp tục lệ thuộc vào sự hỗ trợ của ECB với lượng vốn so tài sản lần lượt chiếm 18%, 10% và 6%.
Bất chấp những hạn chế nêu trên, ECB đang chịu áp lực mở rộng bảng cân đối tài sản thông qua LTRO. Nếu bảng cân đối tài sản của ECB tiếp tục giảm mạnh, thanh khoản sẽ trở nên căng thẳng và đẩy lãi suất thị trường tăng trở lại. Trong tình hình hiện nay, giảm lãi suất là lý do xác đáng buộc ECB phải tiếp tục bơm vốn vào hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, lạm phát tháng 10/2013 tại khu vực euro chỉ tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước sau khi tăng 1,1% vào tháng trước, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2%, kinh tế tăng chậm và thất nghiệp ở mức cao. Điều này cho thấy, hạ lãi suất là yêu cầu cấp thiết để mở rộng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề đặt ra là, ECB sẽ sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản ở mức nào cho những ngân hàng yếu và thời hạn cho vay là bao lâu, trong khi ECB đang đẩy mạnh đợt kiểm tra bảng cân đối kế toán và đánh giá toàn diện đối với những ngân hàng lớn trong khu vực euro trước khi đảm nhận vai trò giám sát tài chính vào năm 2014 tới đây. Chi phí tài trợ cao sẽ làm tăng mức độ thiếu vốn, gây áp lực mới lên những nước có nền tài chính yếu ớt.
Do quyết định chính sách tiền tệ thường gắn với việc xem xét tính ổn định tài chính, việc cung cấp LTRO mới không phải là liều thuốc bách bệnh, thậm chí có thể tạo ra những động cơ sai lầm, gây biến dạng thị trường và những hậu quả không mong đợi.
Từ triển vọng ổn định tài chính, mục tiêu phải là giảm thiểu sự lệ thuộc vào các biện pháp hỗ trợ của ECB, xem xét loại trừ việc sử dụng trái phiếu chính phủ làm thế chấp, có biện pháp khắt khe đối với những ngân hàng yếu để tăng lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, đa dạng hóa tiền tệ để có thể cho vay đối với nền kinh tế. Đồng thời, cũng cần giảm động cơ nắm giữ trái phiếu nhằm giảm mối liên hệ giữa các ngân hàng và chính phủ.
sbv
|