Bộ Xây dựng bảo vệ cách tính diện tích căn hộ
Dù các chuyên gia và luật gia cho biết, có mâu thuẫn và rắc rối về việc áp dụng 2 cách tính diện tích căn hộ, tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, cách tính như Thông tư 16 là phù hợp và ưu việt.
Nhiều tranh chấp vì 2 cách tính diện tích
Thời gian gần đây, thị trường liên tục diễn ra những tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ tại nhiều dự án khu đô thị, dù Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Việc giải quyết tranh chấp tại nhiều dự án trên thực tế gặp không ít khó khăn, bởi trong khi các chủ đầu tư luôn khẳng định tuân thủ theo luật, thì khách hàng lại thấy thiệt thòi nên vẫn khiếu nại, kiện cáo.
Ở vụ tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ tại Dự án chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, khách hàng không chấp nhận các dẫn chứng văn bản chứng minh sự đúng đắn của cách tính diện tích do chủ đầu tư đưa ra. Một đại diện của Tập đoàn Nam Cường than thở, sự không rõ ràng của luật đã khiến việc giải quyết tranh chấp trở nên khó khăn.
Nhiều vụ tranh chấp chung cư xảy ra liên quan đến cách tính diện tích căn hộ
|
Để giải quyết tận gốc tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ đang bùng phát, đã có một số ý kiến cho rằng, nên thay đổi một số điều khoản tại Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn chi tiết Nghị định 71/2010/NĐ-CP.
Theo một số chuyên gia, Bộ Xây dựng cần phải điều chỉnh Thông tư 16 theo hướng tách bạch được những phần diện tích chung và riêng. Cụ thể, Bộ Xây dựng cần có quy định rõ ràng việc tính diện tích theo tim tường thì phần diện tích cột và hộp kỹ thuật có thuộc diện tích căn hộ không? Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng nên chỉ áp dụng một cách tính diện tích duy nhất, nhất quán để giảm thiểu tranh chấp.
Bộ xây dựng quyết bảo vệ quan điểm
Trao đổi với Đầu tư Bất Động sản, Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Thông tư 16 của Bộ xây dựng quy định 2 cách tính diện tích, trong đó cách đo diện tích theo tim tường có mâu thuẫn về mặt logic văn bản, lại không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự nên rất dễ phát sinh tranh chấp.
Theo luật sư Hưng, Bộ Xây dựng chỉ nên áp dụng duy nhất cách tính diện tích sàn thông thủy trong hợp đồng mua bán, bởi cách tính này đảm bảo tính đúng đắn của hợp đồng, không gây hiểu lầm, nên chắc chắn tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích sẽ giảm thiểu.
Liên quan đến cách tính diện tích căn hộ đang gây nhiều tranh cãi, Bộ Xây dựng mới đây đã chính thức có ý kiến về vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cách tính diện tích theo Thông tư 16/2010/TT-BXD là hoàn toàn phù hợp với Nghị định 71/2010/NĐ-CP.
Giải thích về việc áp dụng 2 cách tính diện tích căn hộ thông thủy và từ tim tường, ông Hà cho rằng, 2 cách tính trên không làm ảnh hưởng đến việc xác định phần diện tích thuộc sở hữu chung và riêng. Mặt khác, việc đưa ra 2 cách tính là để các bên tự thỏa thuận cách tính, Bộ Xây dựng không bắt buộc các bên tính theo diện tích từ tim tường.
Ông Hà cũng khẳng định, việc tính diện tích sàn căn hộ theo 1 trong 2 phương pháp này đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua, cũng như mang thêm lợi nhuận cho bên bán. Đặc biệt là không có chuyện khi tính giá theo kích thước thông thủy thì căn hộ mua sẽ rẻ tiền hơn so với giá mua căn hộ được tính theo kích thước từ tim tường. Bởi vì, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường, thì giá bán sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy, thì đơn giá bán sẽ tăng lên…
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về quan điểm trên của Bộ Xây dựng, Luật sư Hưng cho biết, việc Bộ Xây dựng đưa ra giải thích việc áp dụng 2 cách tính diện tích là phù hợp cho thấy cơ quan này chưa thực sự thấy được những bất cập xảy ra trên thực tế. “Trong khi Bộ Xây dựng chứng minh việc áp dụng 2 phương pháp tính diện tích căn hộ là không có vấn đề gì, thì trên thực tế, tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích vẫn diễn ra gay gắt và thường xuyên”, Luật sư Hưng nói.
Trọng Tuyến
đtck
|