8 “ông lớn” “xin” Chính phủ không… giảm thuế, kích cầu
Trong một văn bản dài chưa đầy 3 trang giấy nhưng có tới 8 chữ ký, các công ty sản xuất ô tô trong nước và Nhật Bản gồm: Isuzu Việt Nam, Honda Việt Nam, Hino Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Toyota Việt Nam, VEAM, Vinastar và Vinaxuki đồng kiến nghị Chính phủ không… giảm thuế, kích cầu.
Đâu có sự lạ đời như thế? Đương nhiên, “liên minh” này không phải “xin” cho họ, mà nhắm tới dòng xe nhập khẩu.
Theo họ, chính sách này (ưu đãi/PV) sẽ tạo điều kiện cho việc nhập khẩu xe nguyên chiếc và gây khó khăn cho việc duy trì sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô trong nước đến năm 2018. “Cuối cùng, tất cả các nhà sản xuất trong nước có thể sẽ phải cân nhắc dừng sản xuất và chuyển sang việc nhập khẩu xe nguyên chiếc” – 8 doanh nghiệp đồng “cảnh báo”.
Vì những lý do như vậy, họ đã cùng ký tên chung trong “tâm thư” vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị “xóa bỏ câu văn” ở Điều 6.2.1 - Chính sách Tài chính ở trang 27: “Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (có thời hạn và lộ trình) cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng”.
Xin được nói rõ, đây là “câu văn” được rút ra từ Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bản Dự thảo đã được Bộ Công Thương hoàn tất trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương, đơn vị chấp bút quy hoạch thì: “Có thể khẳng định các chính sách đề xuất trong bản Dự thảo cuối cùng đã được các Bộ ngành thống nhất cao và doanh nghiệp đồng thuận”. Chính các doanh nghiệp đứng tên cũng thừa nhận đã có sự đồng thuận ở hầu hết các vấn đề, riêng câu chuyện ưu đãi cho xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) được họ mô tả là “một vấn đề còn tồn tại”.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cả 8 doanh nghiệp “đứng đơn” đều là thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhưng Hiệp hội này lại không lên tiếng. Như vậy, đồ rằng họ đã không thuyết phục được các thành viên còn lại cùng “chung chiến hào”.
Trả lời báo chí mới đây, ông Giám tiết lộ, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại xe sản xuất trong nước ban đầu đã được đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch song vấp phải phản ứng của một số doanh nghiệp, vì cho rằng như thế là vi phạm cam kết quốc tế về phân biệt đối xử. Cuối cùng, Ban soạn thảo đã đưa ra phương án mức thuế giống nhau cho cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, nhưng sản phẩm sản xuất trong nước được giảm giá trị tính thuế. “Hay nói cách khác, một số chi phí tính vào giá thành sản xuất sẽ không bị cộng vào để tính thuế. Như vậy vẫn hỗ trợ được sản xuất trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế đã thỏa thuận” – vị này cho biết.
Như vậy có thể nói, xe nội địa vẫn tiếp tục được bảo hộ so với xe nhập. Vậy nhưng, phải chăng với 8 doanh nghiệp ký “đơn tập thể”, ưu đãi như thế vẫn là chưa đủ. Giành được thuận lợi cho mình nhưng họ lại còn muốn gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh. Nhiều năm nay, người tiêu dùng trong nước đã phải chi trả quá đắt cho nhu cầu chính đáng về việc sở hữu một chiếc xe hơi, nguyên nhân quan trọng chắc hẳn chính bởi tâm lý nói trên của các “ông lớn” xe hơi.
Đức Huy
Pháp Luật việt nam
|