Thứ Tư, 06/11/2013 09:10

Vốn ít lại đầu tư dàn trải

Ông Hoàng Quang Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện tiền tỉ đầu tư cho các khu trú bão nhưng tàu thuyền không dám vào.

Khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - một trong những dự án chưa phát huy hiệu quả

Ông Tuấn khẳng định: Công bằng mà nói, các khu trú bão cho tàu thuyền đã phát huy hiệu quả nhất định, hỗ trợ phát triển nghề cá, hỗ trợ ngư dân nơi trú tránh bão an toàn, thiệt hại về người, phương tiện đã giảm hơn so với trước. Khi không có bão thì nơi đây trở thành những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nói rằng cũng có nơi, có chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của ngư dân. Vẫn có những bất cập...

* Theo ông, những bất cập, hạn chế đó là gì?

- Đó là việc đầu tư quá dàn trải trong khi nguồn vốn cho chương trình ít. Giai đoạn 2010-2012 vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương cho các dự án tránh trú bão được cấp 910 tỉ đồng, chỉ đạt 14,2% so với nhu cầu 2010-2015 là 6.393 tỉ đồng. Một dự án có vốn đầu tư 100-150 tỉ đồng, nhưng mỗi năm cấp vài tỉ đồng thì làm đến bao giờ cho xong? Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải phân kỳ đầu tư qua nhiều giai đoạn. Việc phân bổ dàn trải cũng khiến khu vực hay có bão chỉ được đầu tư như các khu vực khác, mà đáng ra những chỗ này cần phải tập trung hơn. Vì đầu tư dàn trải nên một số dự án thiếu đồng bộ, luồng lạch nhanh bị bồi lắng, các hạng mục xuống cấp, mức độ đảm bảo an toàn còn hạn chế...

Việc quản lý, vận hành khu trú bão của địa phương cũng có nhiều hạn chế. Chẳng hạn khi tàu vào âu thuyền trú tránh, nếu neo buộc không đúng cách, gần quá hay xa quá cũng khiến tàu bị va đập gây hư hại. Từ đó xảy ra tình trạng khi có bão, khu neo đậu tàu thuyền ở chỗ này thì đông, quá tải nhưng ở khu neo đậu khác lại vắng hoe. Hay khu neo đậu chỉ thiết kế để tiếp nhận tàu từ 400CV trở xuống, nhưng do thiếu hướng dẫn thông báo nên khi bão đến, tàu trên 400CV vẫn vào thì chắc chắn sẽ có thiệt hại.

* Nhưng ngư dân nhiều địa phương cũng phản ảnh thiết kế của khu tránh bão không phù hợp?

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 1349/QĐ-TTg ngày 9-8-2011) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, vào năm 2020 toàn quốc sẽ có 131 khu neo đậu, đáp ứng chỗ đậu cho 84.000 tàu thuyền tránh trú bão với tổng vốn đầu tư 11.230 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2010-2015 là 6.393 tỉ đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến tháng 10-2013 đã có thêm 15 khu neo đậu tàu thuyền được hoàn thành, nâng tổng số các khu neo đậu đã xây dựng (từ giai đoạn trước) lên con số 31.

- Đúng là thiết kế các khu neo đậu tàu thuyền này cũng có nhiều bất cập. Do chưa có tiêu chí cho các khu neo đậu tránh trú bão, nên các tỉnh xây dựng dự án có quy mô không thống nhất hạng mục công trình, chưa tận dụng hết điều kiện tự nhiên nên suất đầu tư cao, tính toán chiều sâu, bề rộng luồng chạy tàu, kết cấu và khoảng cách trụ neo, phao neo không phù hợp với cỡ loại tàu của địa phương...

Mặt khác, do thiếu điều tra, nghiên cứu tập quán của ngư dân, việc chọn địa điểm đầu tư không phù hợp nên không thu hút được ngư dân đến neo đậu cũng khiến hiệu quả của các dự án giảm.

* Bộ NN&PTNT có duyệt các khảo sát, thiết kế những dự án này không?

- Theo quy định, các khu neo đậu tàu thuyền cấp tỉnh sẽ do tỉnh khảo sát, thẩm định, phê duyệt và thực hiện xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện mà Bộ NN&PTNT đã ban hành. Sau khi khảo sát, thiết kế, địa phương xin ý kiến góp ý của bộ, nghiên cứu tiếp thu, phê duyệt và chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư, xây dựng. Bộ NN&PTNT chỉ hỗ trợ đầu tư một số khu neo đậu tàu thuyền cấp vùng. Khi hoàn thành, bộ sẽ giao địa phương quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng chứ không can thiệp vào quá trình quản lý dự án đầu tư của địa phương.

* Một số khu tránh bão dù đã hoàn thành nhưng không phát huy hiệu quả, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT như thế nào?

- Chúng tôi cũng biết có những khu neo đậu khi hoàn thành vẫn còn bất cập, chẳng hạn luồng lạch ra vào chưa đủ tiêu chuẩn do bồi lắng hoặc còn đá mồ côi, hướng tuyến luồng vào thiếu che chắn, sạt lở... Đây đều là những khu neo đậu mới hoàn thành xây dựng xong giai đoạn 1, để hoàn thiện cần có giai đoạn đầu tư tiếp theo. Những cái này thì ngay từ khi phê duyệt đã nhìn thấy, nhưng vì vốn ít nên phải chấp nhận làm từng phần.

Về trách nhiệm quản lý và khai thác hiệu quả các khu tránh bão, theo quy định (nghị định 80/2012/NĐ-CP) là do các địa phương chịu. Nếu tỉnh làm sai, vận hành, khai thác không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm trước hết với ngư dân địa phương.

* Vậy tới đây Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp nào để khắc phục không, thưa ông?

- Bộ NN&PTNT vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão. Trường hợp phát hiện các sai sót về đầu tư, quản lý sử dụng các khu neo đậu và đối thoại với địa phương, yêu cầu chỉnh sửa, khắc phục.

Tuy nhiên, chương trình đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là chương trình lớn, thời gian thực hiện dài, phạm vi rộng. Do đó trong quá trình thực hiện vẫn còn có những dự án chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Những phản ứng của ngư dân, chúng tôi ghi nhận và trong thời gian tới sẽ tập hợp ý kiến của các nhà khoa học tìm ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp với từng vùng, từng miền để các công trình đầu tư đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu suất sử dụng cao.

Đức Bình thực hiện

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   EVN phủ nhận xả lũ tác động xấu hạ du (06/11/2013)

>   Xuất khẩu dệt may có thể đạt mục tiêu 19 tỷ USD (06/11/2013)

>   Chuẩn bị phát điện dự án nhiệt điện 23.000 tỉ đồng (06/11/2013)

>   Tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc (06/11/2013)

>   Mười tháng, thuỷ sản mang về 5,5 tỉ USD (05/11/2013)

>   Chống chuyển giá: Khó xử lý vì... “tế nhị” (05/11/2013)

>   Thị trường vật liệu xây dựng: Cuộc thanh lọc mới (05/11/2013)

>   Ngành thép chia rẽ bởi cuộc chiến chống bán phá giá (05/11/2013)

>   EVN “đã cân bằng được tài chính” (05/11/2013)

>   Bốn dự án đường sắt chờ vốn tư nhân (05/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật