Thứ Tư, 06/11/2013 11:03

Chất vấn Thủ tướng về tiến độ nhà máy điện hạt nhân

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào 2014, song nay việc này có thể chậm 3 năm. Tại sao chậm, trách nhiệm của ai, việc chậm trễ có làm tăng chi phí đầu tư không, có làm giảm hiệu quả dự án không, là nội dung đã được một vị đại biểu gửi chất vấn đến người đứng đầu Chính phủ.

Vị đai biểu này cho biết, báo cáo của Chính phủ về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không nêu thông tin về sự chậm trễ nói trên. Song báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã cho biết nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 không thể khởi công đúng kế hoạch.

Như VnEconomy đã đưa tin, tại báo cáo gửi Quốc hội về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ở kỳ họp này, Chính phủ đánh giá, một khối lượng lớn công việc của dự án này đã được hoàn thành theo nhiệm vụ và tiến độ được giao.

Theo đó, cuối tháng 12/2013, nhà thầu tư vấn liên danh E4 - KIEP - EPT sẽ hoàn thành lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư (FS) với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Hoàn thành sau báo cáo của Chính phủ nửa tháng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, về tiến độ tổng thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cần ít nhất một năm để thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.

Sau khi dự án đầu tư được duyệt, chủ đầu tư mới có thể đàm phán ký hợp đồng thiết kế với tư vấn thiết kế (cần ít nhất 18 tháng cho việc lập thiết kế kỹ thuật, theo phía Nga dự kiến). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật (cần ít nhất 8 tháng để thẩm định).

Sau khi thiết kế kỹ thuật được duyệt, chủ đầu tư mới có thể tiếp tục đàm phán và ký kết EPC. Tổng thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm lập báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ xin cấp phép xây dựng (thời gian cho phép là 15 tháng).

Lưu ý là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận 1 sẽ chỉ được khởi công chính thức sau khi được cấp phép, cơ quan thẩm tra kết luận, “như vậy, đến năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Và mẻ bê tông đầu tiên cho tâm lò phản ứng chỉ được đổ sớm nhất vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 khi thiết kế kỹ thuật được duyệt và có giấy phép xây dựng”.

Ít nhất là chậm 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội, nhưng không làm đúng nghị quyết của Quốc hội thì cũng không phải là chuyện lạ với các vị đại diện ở cơ quan quyền lực cao nhất. Nỗi lo của vị đại biểu chất vấn Thủ tướng nằm ở chỗ, chậm khởi công là sẽ tăng chi phí do trượt giá, chưa kể có thể phát sinh cả những danh mục mới.

Đây là dự án quy mô vô cùng lớn, đến cả chục tỷ USD (tương đương khoảng 200.000 tỷ VND tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008 - PV) mà tăng chi phí đương nhiên là giảm hiệu quả, đại biểu lo ngại.

VnEconomy sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có câu trả lời của chất vấn nói trên.

Nguyễn Lê

vneconomy

Các tin tức khác

>   Vốn ít lại đầu tư dàn trải (06/11/2013)

>   EVN phủ nhận xả lũ tác động xấu hạ du (06/11/2013)

>   Xuất khẩu dệt may có thể đạt mục tiêu 19 tỷ USD (06/11/2013)

>   Chuẩn bị phát điện dự án nhiệt điện 23.000 tỉ đồng (06/11/2013)

>   Tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc (06/11/2013)

>   Mười tháng, thuỷ sản mang về 5,5 tỉ USD (05/11/2013)

>   Chống chuyển giá: Khó xử lý vì... “tế nhị” (05/11/2013)

>   Thị trường vật liệu xây dựng: Cuộc thanh lọc mới (05/11/2013)

>   Ngành thép chia rẽ bởi cuộc chiến chống bán phá giá (05/11/2013)

>   EVN “đã cân bằng được tài chính” (05/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật