Thứ Tư, 30/10/2013 14:02

TS. Nguyễn Xuân Thành: Ngân hàng vẫn thu chênh lệch lãi suất lớn?

Một lần nữa chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động mà các ngân hàng thu được là nội dung có những ý kiến và tính toán khác nhau.

Nội dung này được TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đưa ra tại buổi tọa đàm về chính sách tiền tệ diễn ra ở Hà Nội sáng nay (30/10).

TS. Thành cho rằng, mặc dù lãi suất hiện đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao. Con số mà ông tính toán tương đối có thể lên tới 6%/năm.

“Liệu có phải chênh lệch lãi suất cao như vậy là do ngân hàng cần có lợi nhuận đáng kể để xử lý nợ xấu?”, TS. Thành đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), dẫn lại một khảo sát gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - nơi ông từng công tác, cho hay: qua khảo sát 8 ngân hàng thương mại lớn, mức chênh lệch lãi suất bình quân ghi nhận được là 4,3% - 4,5%; cá biệt có ngân hàng ở mức cao nhưng không đến 5%/năm.

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lại dẫn thực tế từ hoạt động của các ngân hàng thương mại - thực tế mà ông nhiều năm gắn bó khi làm Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB).

Ông Phước cho biết, khi có thông tin trên từ TS. Nguyễn Xuân Thành và TS. Lê Xuân Nghĩa, ông lập tức nhắn tin tham khảo cụ thể một số ngân hàng thương mại. Và qua thực tế từng tham gia điều hành tại Eximbank, chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm.

“Mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Tạm gọi là các chi phí đó. Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm. Thực tế lợi nhuận các ngân hàng đang rất thấp, dù nhân sự cũng đã cắt giảm rất nhiều, có nơi giảm từ 1 - 2 nghìn nhân viên chỉ riêng một ngân hàng”, ông Phước tính toán.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh rằng, không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm.

Liên quan đến vấn đề này, tại một cuộc tọa đàm khác diễn ra hồi tháng 5/2013, ý kiến từ một chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến mức chênh lệch lãi suất bình quân 6%/năm mà các ngân hàng thu được. Con số này cũng lập tức có phản biện từ chuyên gia khác và đại diện ngân hàng thương mại.

TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, bình quân chênh lệch lãi suất cho vay và huy động trong năm 2012 là khoảng 2,2%.

Còn con số từ đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại tham gia tọa đàm đó thì dưới 3%/năm, và có ý kiến xem đây đã là một mức lý tưởng.

Về mức chênh lệch bình quân 6%/năm, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), khẳng định là không có được, thậm chí nếu có thì chính các ngân hàng đang đi ngược lại chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn…

Về mặt bằng chung hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có từ 7% - 9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9 - 11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5% - 13%/năm (trung hạn và dài hạn); những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm.

Lãi suất huy động trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến từ 6% - 8,5%/năm.

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   Ngân hàng đẩy tín dụng cuối năm (30/10/2013)

>   Chuyện xây dựng nhận diện thương hiệu PVcomBank (30/10/2013)

>   Nhà đầu tư ngoại "mua đứt" ngân hàng yếu kém? (30/10/2013)

>   Nợ xấu đang được xử lý thế nào? (30/10/2013)

>   Doanh nghiệp tại TP.HCM chưa được vay gói 30.000 tỉ đồng (30/10/2013)

>   Lãi suất đã trở về thời điểm 2006 (30/10/2013)

>   Vì sao tính cấm cho, tặng ngoại tệ? (29/10/2013)

>   Sẽ thanh tra diện rộng về vốn ngân sách Nhà nước (29/10/2013)

>   Vietnam Airlines lại đấu giá hơn 24 triệu cổ phần Techcombank (29/10/2013)

>   UBGSTCQG: Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định (29/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật