Nhà đầu tư ngoại "mua đứt" ngân hàng yếu kém?
Theo phương án mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài được mở khá mạnh đối với các ngân hàng yếu.
* Ngân hàng UOB (Singapore) có thể mua lại GPBank
Nới room chỉ để tái cơ cấu?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Được biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam đã được NHNN trình Chính phủ.
Theo đó, có nhiều quy định “mở” liên quan đến giới hạn sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong trường các nhà đầu tư này có nguyện vọng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam.
“Điểm mới của Dự thảo là tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài, với tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể”, ông Nghĩa cho biết.
Như vậy, theo những thông tin mà ông Nguyễn Hữu Nghĩa cung cấp, việc nới room chỉ thay đổi nhiều ở những ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu, với tỷ lệ “nới” sẽ được quy định linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp còn lại, tỷ lệ sở hữu hầu như không có gì khác biệt.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được chiếm quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong một số trường hợp, nếu được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ sẽ được nâng tỷ lệ này lên 20%.
Không có chuyện nới room tràn lan
Bình luận về dự thảo nới room trên của NHNN, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP bày tỏ: “Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã ghi rõ, sẽ nới room sở hữu cho các ngân hàng nước ngoài, nhưng chủ trương này chưa được cụ thể hóa bằng văn bản.
Vì vậy, việc NHNN ban hành nghị định mới là để cụ thể hóa chủ trương này, nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu, chứ không phải sẽ có cuộc ‘cách mạng’ nới room chung”.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, dù chưa được như kỳ vọng, song việc NHNN chấp thuận nới room trên 49% với ngân hàng yếu mở nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc NHNN có thể cho phép ngân hàng ngoại “mua đứt” ngân hàng yếu kém của Việt Nam không thể hiện định hướng của NHNN là sẽ “mở toang” cánh cửa ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc này đơn giản giống như cho phép ngân hàng nước ngoài thành lập một chi nhánh ở Việt Nam, giống như từ trước đến nay chúng ta vẫn làm, không ảnh hưởng gì đến toàn hệ thống”, ông Kiên nói.
Thùy Liên
đầu tư
|