Lãi suất đã trở về thời điểm 2006
Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp ngang với thời điểm năm 2006 do thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh.
Lãi suất đã trở về ngang bằng mức năm 2006. Ảnh TL SGT Online.
|
Đây là nhận xét của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia trong tài liệu phục vụ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua.
Báo cáo phân tích, tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức 3-4%/năm đối với các kỳ hạn ngắn.
Mức lãi suất này đã bằng với thời điểm năm 2006, trước vòng xoáy bất ổn kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã vướng phải sau đó.
Cơ cấu tín dụng cũng có sự chuyển biến tích cực với việc cơ cấu kỳ hạn, cơ cấu đồng tiền trở nên hợp lý hơn (tín dụng tiền đồng tăng trong khi tín dụng ngoại tệ giảm), đường cong lãi suất hợp lý hơn theo nguyên lý kinh tế.
Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,82%, cao hơn so với cùng kỳ và chiếm hơn 50% kế hoạch. Để đạt được kế hoạch cả năm, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải đạt mức 1,7%/tháng.
Báo cáo viết: "Trong 10 tháng qua, rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt. Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, mặc dù có vài biến động ngắn hạn trong trung tuần tháng 10 do tâm lý đón đầu nhu cầu tín dụng tăng vào cuối năm mang tính chất mùa vụ".
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời.
Tỷ giá bật tăng mạnh sau động thái điều chỉnh tỷ giá ngày 28-6-2013 của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá đạt mức cao nhất trên thị trường tự do (gần chạm ngưỡng 22.000 đồng/đô la Mỹ, chênh hơn 400 đồng, tương đương cao hơn gần 2% so với tỷ giá chính thức) và trên cả thị trường liên ngân hàng (lên mức cao nhất 21.350 đồng/đô la Mỹ, tăng 2% so với đầu năm) vào ngày 8-7-2013, nhưng ngay sau đó đã đi vào xu hướng giảm cho đến cuối tháng 10.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào. Nguồn cung ngoại tệ từ giải ngân FDI, ODA và kiều hối dự báo đạt khoảng 25 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013.
Bên cạnh đó, theo Uỷ ban, hàng loạt các chỉ số khác đã trở nên tốt hơn.
Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn: chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam) tháng 9 tăng cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát (đạt 51,5) nhờ sự gia tăng các đơn hàng mới đặc biệt đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong vòng lịch sử khảo sát của HSBC kéo dài 2,5 năm.
Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) phục hồi dần qua các quí: quí 1 tăng 4,5%, quí 2 tăng 5,2%, quí 3 ước tăng 6%. Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 5,4% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%.
Nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực. Tính đến tháng 10-2013, FDI thu hút đạt trên 19 tỉ đô la Mỹ, tăng 65,6%, vốn FDI thực hiện đạt 9,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4%. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, thiết bị điện tử vẫn là các lĩnh vức hấp dẫn nhất, trong 9 tháng chiếm 86,4% tổng vốn cấp mới & tăng thêm và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ giúp Việt Nam cải thiện năng lực sản xuất dài hạn và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (thâm hụt 187 triệu đô la Mỹ).
Trong đó, khu vực FDI hiện vẫn là trụ cột trong hoạt động xuất khẩu với tỷ trọng 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 27,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, do chịu tác động mạnh của chính sách trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2011 so với khu vực FDI.
Tư Hoàng
Thời báo kinh tế sài gòn
|