Tắc gói 30.000 tỷ: Nỗi sợ “Tên tôi là…”
Đã bốn tháng trôi qua, tổng lượng vốn vốn cam kết và đã giải ngân theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở mới chỉ đạt 3,17%. Nếu cứ với tiến độ này, để giải ngân hết thì phải cần tới 10 năm.
Theo kết quả Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật, tính đến 30/9/2013, sau bốn tháng triển khai, tổng số vốn đã cam kết, xác nhận và giải ngân cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (vẫn quen gọi là gói 30.000 tỷ đồng) mới chỉ được 951 tỷ đồng, chỉ được 3,17% tổng quy mô của gói.
Trượt từ vòng ngắm!
Vỏn vẹn chỉ vậy sau bốn tháng. Kỳ vọng giải ngân được 10 - 15 nghìn tỷ đồng trong năm nay mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại hội nghị toàn ngành cuối tháng 6/2013 vẫn còn quá xa. Kỳ vọng sức lan tỏa của gói 30.000 tỷ đối với thị trường bất động sản hiện coi như vẫn chỉ chớm ở vạch xuất phát.
Đã có hàng chục cuộc họp, hội thảo, họp báo… để phân tích, tháo gỡ vướng mắc cho gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng, một chuyên gia được VnEconomy tham vấn gợi ý: “Đừng hỏi các nhà hoạch định chính sách vì sao nữa. Hãy hỏi người dân ấy. Vì sao họ không vay được, vì sao họ không tìm đến, họ e ngại điều gì?”.
Ở đối tượng khách hàng cá nhân, thống kê đến 30/9/2013 mới chỉ có 619 trường hợp được các ngân hàng cam kết cho vay với số vốn 203 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 590 khách hàng với số tiền là 142,5 tỷ đồng.
Tiếc rằng, dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước không nêu con số tổng lượng hồ sơ xin vay, để biết mức độ của nhu cầu cũng như tỷ lệ “trúng tuyển” đến đâu; hoặc 619 trường hợp trên là tổng lượng hồ sơ và tất cả đều trúng (?).
Còn theo gợi ý của chuyên gia trên, VnEconomy đã tìm hiểu một số trường hợp đã, đang và dự tính tiếp cận gói hỗ trợ này.
Chị Thu (Hà Đông, Hà Nội) đang có kế hoạch mua nhà sau khi lập gia đình và sinh con. Là cán bộ ngân hàng, chị am hiểu quy trình, thủ tục trong chuyện này. Có ba lý do chị Thu đưa ra khi nói về gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất: một là, mức thu nhập cao hơn quy định, dù không đủ sức để tự lực mua nhà như bình thường; hai là, e ngại phải đáp ứng quá nhiều thủ tục phức tạp; ba là, yếu tố quyết định, quan ngại chất lượng của nhà ở xã hội.
Trong khi đó, anh Kiên (Từ Liêm, Hà Nội) lại trả lời ngắn gọn: “Một đống thủ tục như vậy thì chịu, cũng chẳng đến lượt mình!”. Cho biết không trực tiếp tiếp cận gói hỗ trợ, song anh Kiên đã từ bỏ ý định ngay khi thấy trường hợp người quen làm trong quân đội, mất cả tháng trời chạy tới chạy lui rồi… trượt.
Nhiều trường hợp VnEconomy tìm hiểu đều đưa ra quan ngại chung chung như vậy. Phần lớn họ sợ “đống thủ tục”, bắt đầu với “Tên tôi là…”. Họ tự xác định trượt từ vòng ngắm.
Qua kết nối của anh Kiên, một trường hợp khác có thể xem là điển hình của sự “oái ăm bình thường”. Vài tháng trước khi có gói hỗ trợ, chị Tú (Long Biên, Hà Nội), vượt qua vòng xét duyệt để mua nhà cho người thu nhập thấp thuộc dự án Khu đô thị mới Sài Đồng, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến nay vẫn còn 5/7 đợt đóng tiền, vay ngân hàng theo cơ chế bình thường.
“Khi có chính sách, mừng quá chạy đến ngân hàng. Mọi điều kiện của tôi đều được, nhưng hợp đồng mua nhà đã “lỡ” ký trước rồi. Cán bộ ngân hàng tư vấn tôi thương lượng với chủ đầu tư làm lại hợp đồng để lùi thời hạn khớp với gói đó, nhưng điều này càng khó hơn”, chị Tú cho biết.
Oái ăm là, những người cùng cơ quan với chị, mua sau lại được hưởng chính sách hỗ trợ, dù cùng làm việc, chế độ và điều kiện như nhau. “Đành vậy. Nhưng bây giờ hàng tháng trả lãi ngân hàng, mình phải trả gấp đôi họ”, chị Tú nói.
Dùng dằng đến bao lâu?
Cũng tại hội nghị ngành cuối tháng 6/2013, một lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, một trong 5 đầu mối triển khai cho vay) nói rằng: “Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4,5% chúng tôi cho vay 6% (lãi suất - PV). Cứ tưởng ăn dầy, nhưng chỉ cần rủi ro là hết cả 1,5%... Khi rủi ro xảy ra, không đúng đối tượng, cho vay rủi ro thì các ngân hàng cực kỳ mạo hiểm”.
Đó cũng là nỗi sợ “Tên tôi là…”. Nếu có sai sót hay vi phạm khi cho vay, cán bộ và ngân hàng liên quan sẽ phải làm kiểm điểm, thậm chí bị kỷ luật, nặng hơn là rủi ro pháp lý, với những văn bản mở đầu bằng cụm từ đó.
Tiền lệ đã có. Gói kích cầu qua cấp bù lãi suất 1 tỷ USD năm 2009 vẫn còn tươi mới. Sau triển khai, nhiều sai phạm (chủ quan và khách quan) được cơ quan chức năng đưa ra đã trở thành kinh nghiệm tại các ngân hàng thương mại.
Gói 30.000 tỷ đồng lần này cũng vậy. Nguồn vốn hỗ trợ là của Nhà nước, nỗi sợ trách nhiệm và sự thận trọng trong giải ngân là dễ hiểu.
Nhưng, nguyên nhân dẫn đến bế tắc được những người trong cuộc nhấn mạnh đến hai điểm chính: một là, khó khăn trong xác minh thu nhập từ địa phương; hai là, việc chính quyền xác nhận người vay chưa có nhà ở. Ở khâu này, có lẽ cũng là nỗi sợ “Tên tôi là…” ở cán bộ địa phương khi đóng dấu.
Hai vướng mắc nổi bật đó đã đặt ra suốt thời gian qua. Đến nay vẫn dùng dằng khó gỡ. Thận trọng là cần thiết, nhưng tiến độ giải ngân quá chậm và thấp do vướng mắc kéo dài lại là vấn đề khác. Nếu cứ như bốn tháng qua thì phải cỡ 10 năm nữa mới giải ngân hết.
Đốt từng nắm củi có thể nấu chín nồi cơm trong lúc cần, nhưng từng nhánh nhỏ uể oải như vậy vừa mất nhiệt lại vừa có thể chẳng được cơm. Bên cạnh hỗ trợ người thu nhập thấp, thì “nồi cơm” ở đây, mà nhà hoạch định từng nói tới, còn là kỳ vọng góp phần lan tỏa nhiệt cho thị trường bất động sản vốn đang lạnh lẽo.
Minh Đức
vneconomy
|