Sụt giảm tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh
Bi quan về tình hình kinh tế khiến người tiêu dùng ở các thành phố lớn đắn đo trong việc mua sắm hàng hóa. Đây là một trong những lý do khiến ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không giữ được mức tăng trưởng nhanh, mạnh như những năm trước.
Người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng do khó khăn kinh tế. Ảnh: Minh Tâm
|
Ông Antonie Louat De Bort, Giám đốc khách hàng của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, tại hội thảo với chủ đề: “Kết nối với người tiêu dùng 2013- đường đến thành công” diễn ra hôm 15-10, đã chỉ ra sự sụt giảm của ngành hàng tiêu dùng từ đầu năm 2013 đến nay.
Theo đó, số liệu thống kê của Kantar Worldpanel cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành hàng tiêu dùng nhanh đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái lên tới 16%. So với nhiều nước châu Á khác, đây vẫn là con số đáng mơ ước nhưng nó cho thấy ngành hàng này có dấu hiệu chững lại.
Theo ông De Bort, đây là hệ quả của việc người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm hàng tiêu dùng nhanh, những mặt hàng phục vụ cuộc sống do bi quan về tình hình kinh tế.
Khảo sát của Kantar Worldpanel với các hộ gia đình tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ cho thấy, hơn một nửa số hộ được hỏi nghĩ rằng đây không phải là thời điểm tốt để tiến hành các mua sắm lớn. Người tiêu dùng cũng thay đổi hành vi mua sắm.
Cụ thể, trong khi các hộ gia đình thu nhập cao tiếp tục tiêu xài nhiều tiền hơn, lựa chọn những sản phẩm đắt tiền thì các hộ gia đình thu nhập thấp lại cắt giảm chi tiêu, nhất là với các sản phẩm từ sữa và nước giải khát đóng chai, thực phẩm đóng hộp... vì coi đây là mặt hàng không thật sự là thiết yếu.
Bên cạnh đó, họ mua hàng với trọng lượng nhỏ, lựa chọn hàng có khuyến mãi, hàng có giá rẻ hơn cũng như mua hàng ở cửa hàng gần nhà thay vì đến siêu thị, đại siêu thị.
Những thay đổi này, theo ông De Bort, cần được các nhà sản xuất cần có những sách lược để giành lợi thế cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng trở lại. Đó là tiếp tục đầu tư vào truyền thông để quảng bá giá trị sản phẩm; thay đổi về bao bì, trọng lượng để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng và điều chỉnh chiến lược phân phối.
Đông Nghi
Thời báo kinh tế sài gòn
|