Những hệ lụy đầu tiên với nước Mỹ
Theo Market Watch, việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần kể từ sau nửa đêm ngày 30/9 đã bắt đầu có những tác động đa chiều lên nền kinh tế Mỹ nói chung và các thị trường hàng hóa nói riêng.
* Không đạt được thỏa thuận, Chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa
Giá trị đồng bạc xanh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm nhẹ xuống còn 80,116 điểm, từ mức 80,237 điểm cuối phiên 30/9. Mặc dù giảm nhẹ, nhưng theo số liệu thống kê của FactSet thì chỉ số USD hiện đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 13/2 (thời điểm chỉ số này có 80,09 điểm).
Trước đó, trong phiên giao dịch cùng ngày trên thị trường châu Á, đồng USD mất giá mạnh so với đồng Yên Nhật và đồng Euro. Cụ thể, tại thị trường Tokyo cuối giờ chiều 1/10, đồng USD đứng ở mức 98,16 Yên/USD, giảm so với mức tương ứng 98,21 Yên/USD cuối phiên 30/9 tại New York và thấp hơn cả mức giao dịch 98,70 Yên/USD vào đầu phiên.
Bên cạnh yếu tố Mỹ, thị trường hối đoái hôm qua, trong đó đặc biệt là đồng Yên, còn chịu ảnh hưởng bởi báo cáo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy chỉ số lòng tin kinh doanh của nước này trong quý 3/2013 đã lên cao nhất 5 năm qua. Báo cáo được đưa ra ngay trước khi Nhật Bản có quyết định chính thức tăng thuế tiêu dùng.
Thị trường trái phiếu
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm đã tăng nhẹ, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu như Quốc hội Mỹ tiếp tục thất bại trong việc nâng mức trần nợ công trước thời hạn 17/10 tới và việc chính phủ ngừng hoạt động kéo dài hơn một tuần, thì tình trạng an toàn của đồng USD sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, tác động sâu tới vấn đề trái phiếu.
Thị trường chứng khoán
Với hy vọng thời gian ngừng hoạt động của chính phủ chỉ diễn ra trong vài ngày, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không có bất cứ phản ứng tiêu cực nào trong ngày giao dịch đầu tiên của quý 4/2013. Thậm chí, tới kết thúc ngày giao dịch này, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ còn tăng mạnh, như chỉ số Nasdaq Composite tăng tới hơn 1%.
Trong quá khứ, Phố Wall từng hoàn toàn tránh được những biến động mạnh trong những tình huống tương tự trong quá khứ. Trong giai đoạn chính quyền liên bang phải đóng cửa 17 năm trước, chứng khoán Mỹ vẫn tăng được 1,3%. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn như hiện tại, nếu tình trạng này kéo dài thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Thị trường năng lượng
Chốt phiên 1/10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 29 cent, tương ứng với 0,3%, xuống còn 102,04 USD mỗi thùng. Trước đó, trong phiên, có lúc giá dầu loại này đã trượt xuống gần 101 USD mỗi thùng. Đây là phiên giảm giá thứ ba liên tiếp của dầu thô và đưa giá xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 7 cho tới nay.
Trên sàn giao dịch châu Á cùng ngày, giá dầu Brent trượt xuống dưới 108 USD/thùng và được giao dịch gần mức thấp nhất trong 7 tuần, do những lo ngại việc đóng cửa của Chính phủ Mỹ sẽ làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Chuyên gia Teoh Say Hwa nhận định, việc chính quyền Mỹ ngừng hoạt động sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu ở nước này giảm mạnh.
Giá kim loại quý
Giá vàng giao tháng 12 tại New York rớt mạnh 40,90 USD/oz, tương ứng 3,1%, xuống 1.286,10 USD/oz, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 7/8. Theo số liệu của FactSet, đây là mức sụt giảm, tính theo giá trị đồng USD, mạnh nhất kể từ ngày 26/6. Giá vàng giao ngay cũng giảm còn 1.288,5 USD, sau khi trượt xuống 1.283,54 USD, thấp nhất từ 8/8.
Giá bạc giao tháng 12 giảm 53 cent, tương ứng 2,5%, xuống 21,175 USD/oz. Giá bạch kim giao tháng 1 mất 27,10 USD, tương ứng 1,9%, xuống 1.385,30 USD/oz. Giá palladium giao tháng 12 hạ 8,25 USD, tương ứng 1,1% xuống còn 718,90 USD/oz. Giá đồng giao tháng 12 cũng giảm 5 cent, tương ứng với mức giảm 1,5%, xuống còn có 3,27 USD/lb.
Triển vọng kinh tế Mỹ
Hãng nghiên cứu IHS dự đoán, Mỹ sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Mức ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm. Nếu chính phủ đóng cửa trong một tuần, GDP quý 4 sẽ chỉ tăng 2%, nếu dài hơn thì có thể còn 0,9-1,4%.
Công ty tư vấn Consultants Macroeconomic Advisors cũng nhận định, việc chính phủ đóng cửa sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Một cuộc đóng cửa trong hai tuần sẽ làm giảm 0,3 điểm phần trăm GDP. Còn theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, nếu Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động 3 tới 4 tuần, GDP của nước này sẽ giảm 1,4% trong quý 4.
Thanh Hải
vneconomy
|