Gói 30 ngàn tỷ đồng đang bị nghẽn
Thị trường BĐS gặp khó khăn, DN BĐS liên tục hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu căn hộ nhưng thị trường vẫn trầm lắng. Trong khi đó, gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng dành cho BĐS vẫn chậm tác động. Tính đến ngày 31-8, chỉ có 331 khách hàng vay được 105 tỷ đồng.
Còn nhiều vướng mắc trong chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội
|
Riêng TP. Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 9, có 137 khách hàng cá nhân đăng ký vay với tổng số tiền vay 78 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, số tiền giải ngân chỉ dừng lại ở con số 22,65 tỷ đồng cho 58 khách hàng.
Ghi nhận của phóng viên, lượng khách hàng đã cho vay mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng chỉ lác đác một vài người. Đơn cử, Vietinbank đã giải ngân cho 2 khách hàng vay mua nhà ở xã hội với dư nợ là 0,36 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam có 8 cá nhân được xét duyệt với tổng só tiền là 3 tỷ đồng, trên 10 DN đăng ký nhưng chỉ có 1 dự án được duyệt. Ngân hàng có lượng khách được cho vay nhiều nhất chính là ngân Vietcombank với 27 khách hàng cam kết hợp đồng gần 20 tỷ đồng và dư nợ giải ngân là 17,8 tỷ đồng. Hầu hết các ngân hàng tham gia thực hiện ký hợp đồng và giải ngân gói 30 ngàn tỷ đồng đều khẳng định, khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà là lớn nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến ngân hàng không thể giải ngân.
Ông Bùi Tấn Tài, Ngân hàng Á châu đưa ra nhận định: "Cho vay vay mua nhà ở xã hội mà thế chấp chính căn hộ đó thì tài sản thế chấp hoàn toàn không đảm bảo, trách nhiệm pháp lý của người cho vay rất nặng nề. Nhà nước nên quản lý hoạt động về tiến độ của các chủ đầu tư chứ không theo sự thẩm định của người dân nhằm có sự an toàn, đảm bảo”. Với kinh nghiệm của người kinh doanh BĐS trong nhiều năm, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành cho rằng gói 30 ngàn tỷ cấp cứu thị trường BĐS vừa nhỏ lại vừa to. Nhỏ vì 30 ngàn tỷ đồng dùng cứu tồn kho và nợ xấu của thị trường BĐS nhưng tồn kho hiện nay của BĐS đứng ở mức trên 500 ngàn tỷ. Gói 30 ngàn tỷ đồng to vì trong vòng 5 tháng mà mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng.
Theo NHNN, có hai điểm nghẽn lớn khiến việc giải ngân gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ bị trì trệ. Thứ nhất, văn phòng công chứng không đồng ý công chứng đối với các hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do chưa có quy định về loại hình thế chấp này. Ngoài ra, ngân hàng cũng không thể giao dịch đảm bảo cho các nhà ở thế chấp hình thành trong tương lai để đảm bảo khoản vay. Nguyên nhân thứ 2, thời hạn vay 10 năm theo Thông tư 07 thì sau khi trừ các chi phí thiết yếu khác thu nhập còn lại không đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn.
Để việc giải ngân gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng thông thoáng hơn, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, nên nâng thời gian cho vay lên thành 20-30 năm để người vay có thời gian trả nợ. Ngoài ra, các bộ ngành liên quan nên hoàn thiện sớm khung pháp lý về thủ tục công chứng, giao dịc đảm bảo trong thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để ngân hàng có cơ sở nhận tài sản thế chấp. "Muốn tiếp tục giải ngân gói hỗ trợ này chỉ còn cách thay đổi điều kiện tiếp cận của căn hộ”, ông Nguyễn Văn Đực khẳng định.
Thanh Giang
Hà Nội: 6 dự án nhà ở xã hội nhận đăng ký mua nhà
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sở đã nhận được báo cáo của 75 đơn vị, với hơn 8.300 cán bộ đăng ký mua nhà ở xã hội tại 11 dự án. Từ nay đến hết năm 2013 có 6 dự án nhà ở xã hội nhận đăng ký là dự án KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh (Mê Linh) do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư với 1.456 căn hộ, dự án KĐT Đặng Xá do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, với 1.139 căn hộ, dự án KĐT Tây Nam Linh Đàm do BIC Việt Nam và HUD làm chủ đầu tư, với 980 căn hộ, dự án tại KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm do CTCP Thủ đô làm chủ đầu tư với 930 căn hộ, dự án 143 Trần Phú (Hà Đông) do CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư với 512 căn hộ và dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở 30 Phạm Văn Đồng do CTCP Dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư với 294 căn hộ. Dự kiến, các dự án hoàn thành vào năm 2015.
N.N
|
đại đoàn kết
|