Đức: Triển vọng thị trường việc làm tiếp tục ổn định
Văn phòng Lao động liên bang Đức vừa cho biết tình trạng thất nghiệp của nước này trong tháng 9/2013 vẫn được kiểm soát ở mức ổn định, khi chỉ tăng nhẹ 2.000 người, lên 2,973 triệu người.
Thông tin này được đưa ra cùng ngày với báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê liên bang Đức cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử nước này, số việc làm vượt con số 42 triệu trong tháng Chín vừa qua, tăng 250.000 việc làm so với tháng trước đó.
Cũng theo Văn phòng Lao động Đức, tỷ lệ thất nghiệp đã được điều chỉnh trong tháng 10/2013 vẫn đứng ở mức thấp 6,9%, gần như không biến chuyển so với tháng Chín, chứng tỏ thị trường việc làm của Đức không bị tác động mạnh bởi các số liệu kinh tế trái chiều và vẫn duy trì được đà ổn định.
Trước đó, số liệu chưa điều chỉnh do Cục Thống kê Đức công bố đã chỉ ra rằng số người thất nghiệp trong tháng 10/2013 giảm 48.000 người so với tháng Chín, xuống còn 2,801 triệu người- mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm nay.
Với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế, số việc làm ở Đức trong năm 2014 dự kiến lần đầu tiên đạt mức trung bình 42 triệu, tăng so với mức trung bình 41,8 triệu việc làm trong năm nay.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng lạc quan dự báo rằng tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ đạt 1,7% so với mức 0,5% trong năm nay .
Tuy nhiên, Giám đốc kinh tế của ING DiBa, Carsten Brzeski, cảnh báo rằng bất chấp chỉ trích, tại các cuộc thảo luận gần đây nhằm thành lập chính phủ đại liên minh tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vẫn đòi hỏi việc áp dụng một mức lương tối thiểu, và điều này có thể sẽ tác động tiêu cực tới thị trường việc làm của Đức.
Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường lao động Đức trong ngắn hạn, giữa bối cảnh kinh tế nước này liên tiếp đón nhận các tín hiệu sáng về chỉ số lòng tin kinh doanh và chỉ số môi trường đầu tư.
Tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 10 cũng tăng chậm lại ở mức 1,2% so với cùng kỳ năm 2012, sau khi chứng kiến mức tăng 1,4% vào tháng trước đó, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho rằng Đức cần phải hạn chế thặng dư nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong nước và giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi khó khăn.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về tình hình kinh tế quốc tế và các chính sách tỷ giá hối đoái trong nửa đầu năm 2013 đã chỉ trích Đức vì việc thắt chặt quá mức các chính sách kinh tế, gây tác động xấu cho không chỉ nền kinh tế Eurozone mà cả nền kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ này, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng trưởng mạnh tại các nước châu Âu có thặng dư thương mại cao như Đức sẽ giúp cho nền kinh tế khu vực trở nên cân bằng hơn./.
vietnam+
|