Điều hành CSTT giai đoạn 2011-2013: Chuyển từ bị động sang chủ động
Bắt đầu từ năm 2011, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước chuyển căn bản từ bị động sang hướng chủ động, dẫn dắt thị trường.
Bắt đầu từ năm 2011, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước chuyển căn bản từ bị động sang hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, đồng thời linh hoạt bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt được những kết quả tích cực. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề trên, Phóng viên Website NHNN đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN về các nội dung liên quan.
PV: Trong giai đoạn 2011-2013, việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chuyển từ bị động sang chủ động định hướng, dẫn dắt thị trường; đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Vậy xin Bà cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Trả lời: Giai đoạn từ năm 2011, trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ của NHNN đã có những bước chuyển căn bản sang điều hành theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, đồng thời linh hoạt bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện trên một số điểm nổi bật như sau:
NHNN kiên trì mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó điều hành lượng tiền cung ứng chủ động, phối hợp hài hòa giữa các kênh để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Qua đó, CSTT đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát năm 2012 ở mức 6,81% và dự kiến cả năm 2013 ở mức khoảng 7%, đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, thanh khoản của các TCTD cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hệ thống vào cuối năm 2011 đã được đẩy lùi.
Việc điều hành lãi suất, tỷ giá trong giai đoạn này đã mang tính chủ động, định hướng trước thị trường trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Theo đó, NHNN đã thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất và triển khai đồng bộ các biện pháp để đạt mục tiêu là giảm mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân. Vào tháng 9/2011, lãi suất cho vay ở mức cao 20-25%/năm, NHNN đã tuyên bố đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19%/năm vào cuối năm 2011. Tiếp đó, ngay từ đầu năm 2012, định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động đến cuối năm còn 9-10%/năm và sang năm 2013 điều hành lãi suất theo hướng tương đối ổn định do yếu tố lạm phát và sự ổn định trên thị trường ngoại hối.
Trên cơ sở mục tiêu định hướng, NHNN điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất lãi suất điều hành; kết hợp với áp dụng biện pháp hành chính phù hợp với điều kiện thị trường biến động, quy định trần lãi suất huy động bằng VND và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên nhưng đã điều chỉnh giảm dần, từng bước nới lỏng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ... Cho đến nay, mặt bằng lãi suất đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và không còn là khó khăn vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp.
Về tỷ giá, từ cuối năm 2011, NHNN đã đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong những tháng cuối năm tăng không quá 1% và tiếp tục đặt mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3%/năm trong năm 2012 và năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam.
Theo đó, các giải pháp điều hành tỷ giá được thực hiện nhất quán, kết hợp đồng bộ với chính sách lãi suất để hài hòa giữa thị trường ngoại hối và thị trường nội tệ. Nhờ vậy, nếu như trước đây, tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động và chịu sức ép tăng, thì đến nay về cơ bản ổn định, tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, lòng tin vào đồng Việt Nam được củng cố.
Đối với nhóm giải pháp tín dụng, các giải pháp được tập trung thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, theo đó NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, thực hiện các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, tổ chức nhiều đoàn công tác, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố nắm bắt và xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các TCTD trên địa bàn trong quan hệ vay vốn ngân hàng.
Với các giải pháp nêu trên, trong 9 tháng đầu năm 2013, tín dụng đã có xu hướng cải thiện từ tháng 2/2013 và có khả năng cả năm 2013 đạt được mục tiêu 12%. Tính chung cả giai đoạn 2011-2013, tín dụng tuy tăng chậm hơn so với các năm trước đây, nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được tăng cao, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức hợp lý, cho thấy chính sách tiền tệ đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
PV: Hiện nay, một số Ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay thấp hơn trần lãi suất huy động của NHNN. Vậy Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trả lời: Tôi cho rằng động thái hạ lãi suất cho vay của các NHTM thấp hơn trần lãi suất huy động của NHNN có thể được đánh giá trên 3 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, mặc dù các ngân hàng này hạ lãi suất huy động thấp hơn trần lãi suất quy định của NHNN nhưng họ vẫn huy động được vốn, do đó, có thể thấy đây là diễn biến tích cực của thị trường tiền tệ. Trần lãi suất huy động của NHNN quy định là mức lãi suất tối đa, còn với những ngân hàng có thương hiệu, có uy tín thì họ huy động với lãi suất thấp hơn và khi đó cho vay với lãi suất thấp hơn cũng là điều bình thường.
Thứ hai, về phía các TCTD, trong điều kiện các doanh nghiệp gặp khó khăn thì các TCTD chấp nhận giảm chênh lệch thu chi, giảm lợi nhuận của mình để chia sẻ với doanh nghiệp, và khi các TCTD chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của TCTD.
Thứ ba, về phía doanh nghiệp, với các doanh nghiệp tiếp cận được với khoản vay có lãi suất thấp hơn trần lãi suất huy động của NHNN thì họ có thể là những doanh nghiệp có thương hiệu và quan hệ tín dụng tốt với các TCTD, là doanh nghiệp có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi và có đủ điều kiện vay vốn. Trên thực tế cũng có doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu, khi họ có nguồn thu này cam kết bán ngoại tệ cho các TCTD.
Trên cơ sở phân tích các khía cạnh nêu trên, tôi cho rằng thị trường tiền tệ đang có diễn biến tích cực.
PV: Để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cũng như việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, xin Bà cho biết về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng cuối năm 2013?
Trả lời: Đến tháng 9/2013, lạm phát tăng 4,63% so với đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 6,3%, với diễn biến này thì nhiều khả năng cả năm 2013 lạm phát có thể được kiểm soát ở mức khoảng 7% như mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chúng ta vẫn không thể chủ quan do rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu. Do vậy, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn luôn phải thận trọng với nguy cơ tăng trở lại của lạm phát. Trong những tháng cuối năm 2013, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục kiên định theo mục tiêu về kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đồng thời trong quá trình điều hành, căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát, NHNN sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp.
Theo đó, hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời xử lý nợ xấu như sẵn sàng nguồn tiền tái cấp vốn để cho vay hỗ trợ nhà ở đối với gói 30.000 tỷ đồng, tái cấp vốn kịp thời để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu thông qua VAMC, cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê...
Trong điều hành, NHNN cũng sẽ phải bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng một cách hợp lý qua các kênh để đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, đồng thời đảm bảo kiểm soát tiền tệ, lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, thanh khoản của hệ thống các TCTD để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD một cách kịp thời, nhất là vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán khi nhu cầu rút tiền của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội tăng cao.
Về điều hành lãi suất, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, thì NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất theo hướng tương đối ổn định như hiện nay nếu như diễn biến của lạm phát không có biến động nhiều.
Xuân Thanh - HN (thực hiện)
sbv
|