Thứ Ba, 08/10/2013 10:58

49% thì sao?

Một dấu ấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại trong chuyến viếng thăm Mỹ gần đây là việc ông tuyên bố Việt nam có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỉ lệ sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% trong tương lai gần.

Đây là tin vui đối với thị trường tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, với tỉ lệ sở hữu tối đa được quy định hiện nay chỉ là 30% dành cho khối ngoại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phần nào mất đi sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuyên bố này cũng chứng tỏ một điều rằng cuối cùng Việt Nam khó có thể tự mình giải quyết những vấn đề nội tại của hệ thống tài chính mà phải dựa một phần quan trọng vào nguồn lực nước ngoài.

Báo cáo triển vọng ngân hàng Việt Nam năm 2014 của công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings ước tính tỉ lệ nợ xấu Việt Nam hiện lên đến 15%, nghĩa là quy mô tái cấp vốn cần thiết vào hệ thống (để đưa hệ số an toàn vốn cấp 1 trở lại mức 12%) có thể sẽ lên tới khoảng 9% GDP danh nghĩa năm 2013, tức hơn 12 tỉ USD.

Rõ ràng, với nguồn lực trong nước hiện rất khó khăn (nguồn thu ngân sách 9 tháng đầu năm chỉ đạt 62,5% so với dự toán năm), còn công ty quản lý nợ xấu quốc gia VAMC chỉ có vốn điều lệ 500 tỉ đồng thì số tiền tái cấp vốn nói trên là vượt quá khả năng của Việt Nam.

Thực ra, việc nâng giới hạn sở hữu của khối ngoại trong ngân hàng nội địa không phải là mới mẻ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, chính phủ các nước bị khủng hoảng như Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan đã nhanh chóng nâng giới hạn sở hữu của khối ngoại. Thậm chí, Philippines còn cho phép ngân hàng ngoại sở hữu tới 60% cổ phần của ngân hàng nội địa. Ấn Độ cũng rất “chịu chơi” khi nâng giới hạn sở hữu khối ngoại từ 49% lên tới 74%.

Chỉ có Malaysia được đánh giá là rất cẩn trọng khi tiếp tục giới hạn tỉ lệ sở hữu ở mức 30%; chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, con số này mới được nâng lên 49%. Nhưng cũng nên nói thêm, Malaysia là một trong những quốc gia đã xây dựng mô hình công ty mua bán nợ xấu rất thành công mang tên Danaharta. Sự thành công của công ty này có thể là lý do khiến Malaysia nhận thấy chưa cần thiết để nâng giới hạn sở hữu của khối ngoại.

Hãy quay trở lại với Việt Nam. Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phần nào giúp khối ngoại lấy lại cảm hứng đầu tư. Nhiều người thậm chí kỳ vọng sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ khối này trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng điều này chưa chắc.

Đối với một số nước như Thái Lan, tỉ lệ sở hữu 49% tối đa dành cho khối ngoại hiện nay có thể xem là hợp lý, vì nhìn chung, hệ thống ngân hàng Thái Lan thuộc dạng vững mạnh nhất trong khu vực. Nhưng đối với Việt Nam, tỉ lệ sở hữu 49% nếu có có thể vẫn chưa làm hài lòng khối ngoại vì độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh ngân hàng Việt Nam thuộc diện thấp nhất trong khu vực.

Theo ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital, các tổ chức nước ngoài sẽ không đầu tư vào ngân hàng trong nước bằng mọi giá vì cái gốc của các ngân hàng yếu kém trong nước là vấn đề quản trị. Đối với khiếm khuyết này, cho dù đối tác nước ngoài có hỗ trợ vốn thì ngân hàng sẽ vẫn yếu kém, trong khi việc tìm kiếm nhân sự cao cấp để điều hành là chuyện không đơn giản.

Ngoài ra, theo ông Scriven, tỉ lệ 49% có thể vẫn chưa đủ để khối ngoại có đủ quyền hành. Đặc biệt, họ mong muốn nắm được quyền kiểm soát với tỉ lệ từ 51% trở lên để có thể nhanh chóng thực hiện cải tổ. “Mặc dù Chính phủ cho phép nới mức trần cho mỗi nhà đầu tư chiến lược lên trên 20% và tổng hạn mức dành cho khối ngoại lên 49%, áp dụng đối với một số ngân hàng thì vẫn sẽ khó hấp dẫn các ngân hàng nước ngoài”, ông nói.

Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, tuyên bố của Thủ tướng là rất tích cực, nhưng cần phải cụ thể hơn. “Nếu tỉ lệ 49% chỉ áp dụng cho các ngân hàng yếu kém thì có thể không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, vì theo kinh nghiệm ở các quốc gia khác, các ngân hàng tốt được khối ngoại mua dầu tiên; sau khi thị trường tài chính ổn định và phát triển hơn, các ngân hàng yếu kém mới được mua”, ông nói.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước cũng cần thực hiện nhiều thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người mua nước ngoài. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các ngân hàng nội địa, ngoài việc cân nhắc giá bán hợp lý, còn cần phải thay đổi tư duy. Thay vì chỉ lấy tiền, họ phải thể hiện tinh thần hợp tác tốt hơn và cho đối tác nước ngoài thực quyền. “Và trên hết, sổ sách tài chính phải minh bạch”, ông nói.

Sơn Nguyễn

ncđt

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp tự vào bẫy (08/10/2013)

>   Hoạt động kinh doanh ngân hàng cuối năm chuyển biến tích cực hơn (08/10/2013)

>   Những nghi vấn sau chuỗi biến động ở Eximbank (08/10/2013)

>   Năm 2013: Lãi thấp nhưng tiền gửi vẫn tăng (07/10/2013)

>   Ngày 7/10, NHNN hút về 670 tỷ đồng (07/10/2013)

>   Ngân hàng kiếm lợi nhuận khó khăn (07/10/2013)

>   VietinBank đạt danh hiệu cao nhất “World Class” Giải thưởng GPEA 2013 (07/10/2013)

>   Ngân hàng tìm vốn Nhật Bản (07/10/2013)

>   “Xếp hàng” bán nợ xấu (07/10/2013)

>   Phó Chủ tịch VAMC: Mua nhanh bán gọn, xử lý sau (07/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật