Thứ Hai, 07/10/2013 09:57

Phó Chủ tịch VAMC: Mua nhanh bán gọn, xử lý sau

Một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành bộ thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động mua bán, VAMC đã ký hợp đồng mua lại nợ xấu đầu tiên với Ngân hàng Agribank.

Giá trị thương vụ là 1.723 tỉ đồng trên tổng giá trị ghi sổ 2.450 tỉ đồng của 27 khoản nợ với 11 khách hàng. Giá trị tài sản đảm bảo của số nợ này là 3.900 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thành viên VAMC, cho biết giá mua được tính bằng giá trị ghi sổ trừ đi số dự phòng đã được trích mà chưa sử dụng. Agribank đã trích lập gần 800 tỉ đồng cho các khoản nợ này.

Theo dự kiến, sắp tới VAMC cũng sẽ ký hợp đồng mua nợ với các ngân hàng SCB, SHBPGBank. Mục tiêu của VAMC là mua lại 10.000 tỉ đồng nợ xấu trong tháng 10 này và tối thiểu 30.000 tỉ đồng trong năm nay.

Agribank vừa bán được 1.723 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC

Ông Hùng cho biết VAMC hành động nhanh như vậy vì đó là kết quả của quá trình làm việc tương đối dài trước đó với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động của VAMC mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận khoản nợ chứ chưa đi sâu vào việc giải quyết bài toán nợ. NCĐT đã trao đổi với ông Hùng về vấn đề này.

Vì sao VAMC chọn Agribank là ngân hàng đầu tiên để mua nợ xấu?

Chính Agribank đã chủ động làm việc với VAMC. Đây là tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất và mạng lưới lớn nhất phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank muốn cơ cấu lại các khoản nợ và danh mục đầu tư.

Sau quá trình làm việc khoảng một tuần, chúng tôi đã rà soát phân loại trên tổng số vài chục hồ sơ và đã tìm ra được 11 khách hàng với 27 khoản nợ đủ điều kiện.

Các khoản nợ nào được ưu tiên mua lại?

Các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng đề nghị thì VAMC đều xem xét. Tuy nhiên, đối với những khoản nợ đủ điều kiện, VAMC sẽ xem xét trước. Đối tượng VAMC xem xét đầu tiên là tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức thuộc diện tái cơ cấu, tổ chức có nợ xấu trên 3%. Nhưng không có nghĩa các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% sẽ không được xem xét. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi đều mua.

Về hồ sơ, các tổ chức bán nợ cho VAMC đều phải có bản kê tổng thể giá trị các khoản nợ, các điều kiện kèm theo như tài sản đảm bảo, trích lập dự phòng rủi ro… Tất cả các yêu cầu đó đều được chuyển đến Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch thường trực VAMC xem xét, phê duyệt. Sau đó sẽ chuyển về cho các ban chuyên môn của VAMC để thực hiện.

Sau khi bán nợ, khoảng bao lâu ngân hàng sẽ nhận được trái phiếu hoặc vay thêm tiền?

Sau khi ký hợp đồng chung với 27 khoản nợ, với từng khoản nợ, VAMC sẽ tiếp tục ký hợp đồng chi tiết. Với từng hợp đồng chi tiết, trái phiếu trả cho Agribank sẽ được lưu ký tại sở giao dịch theo quy định thời gian tối đa là T+2. Đây là trái phiếu ghi sổ. Các tổ chức tín dụng có thể vay tái cấp vốn khi có nhu cầu tiền mặt hay cần vốn đầu tư, hoặc tái cấu trúc chính doanh nghiệp có nợ xấu vừa bán. Tỉ lệ vay tối đa là 70% giá trị trái phiếu. VAMC đang trình Chính phủ lãi suất tái cấp vốn ở mức 2%.

Nhưng các ngân hàng có chịu bán nợ cho VAMC?

Để quán triệt tinh thần Nghị định 53 và triển khai Thông tư 19 và 20, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 2 hội nghị tại TP.HCM và Hà Nội. Tại đây, những thắc mắc của các tổ chức tín dụng về cái được và mất của việc bán nợ đã được VAMC giải đáp. Ngay sau hội nghị, VAMC đã làm việc với các tổ chức có nợ xấu trên 3%.

Đã có bao nhiêu tổ chức đề nghị bán nợ cho VAMC?

Hơn 10 tổ chức tín dụng đã chuyển hồ sơ cho VAMC. Hiện nay, có những hồ sơ VAMC vẫn chưa kịp xem xét. Đáng mừng là trong số các tổ chức đặt vấn đề bán nợ cho VAMC, có 4 tổ chức có nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Trong đó có một tổ chức quốc doanh.

Sau khi mua nợ, VAMC sẽ làm gì?

Hiện tại, Công ty tập trung mua nợ. Bước kế tiếp là phân loại nợ và cùng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định trở lại. Nghị định 53 nêu rõ một điều kiện để mua bán nợ là doanh nghiệp còn tồn tại. Nếu doanh nghiệp không tồn tại thì không mua. Nghĩa là vẫn có thể cơ cấu lại để giúp doanh nghiệp.

Nói một cách nôm na, VAMC giống như bệnh viện nợ xấu, tiếp nhận bệnh nhân. Sau khi tiếp nhận, khám bệnh thì phân loại và chữa bệnh. Hiện nay, VAMC mới chỉ tiếp nhận bệnh nhân.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài có đặt vấn đề mua khoản nợ nào chưa?

Có, nhưng họ mới chủ yếu giới thiệu mô hình hoạt động của mình và xem VAMC hoạt động ra sao. Họ quan tâm tài sản đảm bảo là các bất động sản lớn. Cũng có không ít tổ chức quốc tế muốn mua tài sản đảm bảo hoặc ủy thác mua tài sản này. Hiện tại, VAMC chưa ký kết hợp tác với đối tác nào, cũng chưa vay vốn hay mua nợ theo giá thị trường.

Nếu tổ chức nước ngoài muốn thông qua VAMC mua tài sản đảm bảo thì sẽ bất lợi cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vì giá mua sẽ rất thấp. Theo tôi, nên đợi thêm một thời gian nữa, khi thị trường bất động sản khởi sắc thì sẽ bán được giá hơn.

Giả sử nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ, nếu khoản nợ được trả giá thấp hơn giá mua, VAMC có đồng ý không?

VAMC là đơn vị hạch toán phi lợi nhuận. Khi bán tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ, VAMC phải xác định, khoản nợ đó sau 5 năm sẽ được tổ chức tín dụng trích lập dự phòng đủ 100% (mỗi năm trích 20%). Tức nguồn tiền trích lập này là do tổ chức tín dụng bù đắp vào. Vì thế, không lý gì VAMC lại bán khoản nợ với giá thấp hơn.

Nếu tổ chức tín dụng mỗi năm trích dự phòng 20% cho khoản nợ đã bán cho VAMC, giả sử sau 3 năm, tài sản đảm bảo được bán với giá bằng 80% giá ban đầu, có nghĩa là tổ chức tín dụng vẫn có thu nhập bất thường. Còn nếu bán tài sản đảm bảo được 100% thì tổ chức đó càng có lợi.

Song Dũng

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   NHNN: Tỷ giá khó có thể tăng hơn 2% (07/10/2013)

>   Doanh nghiệp vay vốn: Khó như lên trời (06/10/2013)

>   Khó cho vay, nhà băng vẫn lách trần huy động (05/10/2013)

>   Nín chờ thời điểm tăng tỷ giá cuối năm (05/10/2013)

>   Hàng hóa “è cổ” gánh phí bôi trơn (05/10/2013)

>   Ngân hàng nhà nước tháo gỡ khó khăn về vốn cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (05/10/2013)

>   Chưa bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài (04/10/2013)

>   Ngày 4/10, NHNN hút về 969 tỷ đồng (04/10/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh (04/10/2013)

>   NHNN yêu cầu báo cáo về thí điểm cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (04/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật