Doanh nghiệp vay vốn: Khó như lên trời
Càng những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng càng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, không phải vì thế mà DN dễ tiếp cận vốn hơn.
Có thực ngân hàng tìm DN?
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết vốn ngân hàng đẩy ra nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh từ đầu quý III, đến cuối tháng 8 tăng 6,45% so với cuối năm 2012. Trong đó, riêng tín dụng bằng VNĐ tăng 10,4%. Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận tín dụng đã vào mùa tăng trưởng, có nơi trong một tháng giải ngân được vài ba nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tín dụng này mới chỉ đổ vào các DN lớn trong khi khối DN nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, một phần không nhỏ vốn của các ngân hàng hiện đang nằm ở các tổng công ty, DN “con” của các ngân hàng, các tập đoàn tư nhân. “Theo thông tin từ các công ty kiểm toán, các tập đoàn tư nhân đang nợ ngân hàng hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng rất ít tập đoàn có khả năng trả nợ”- ông Nghĩa cho biết. Điều này phần nào cho thấy sự thiên vị của các ngân hàng trong việc thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, chỉ tập trung vào các DN lớn còn hầu hết DN nhỏ và vừa khó tiếp cận với vốn vay.
Ông Bùi Ngọc Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Thành chia sẻ, DN Hùng Thành từ trước tới nay chưa hề có nợ xấu nhưng thời gian qua cũng chỉ vay được 1,3 tỷ đồng, số vốn còn lại là từ việc huy động vốn của tập thể nhân viên trong công ty. “Các ngân hàng cứ nói là ‘đốt đuốc đi tìm DN để cho vay’ nhưng tôi thấy có đúng đâu. DN của tôi chưa hề có nợ xấu, chủ động tìm đến ngân hàng nhưng cũng chỉ vay phần nào so với số vốn yêu cầu”- ông Tường cho biết.
Còn trường hợp của Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) lại khác. Vinaxuki vốn là một DN có thương hiệu, tuy nhiên cái khó của DN lại là lĩnh vực hoạt động quá chuyên sâu về cơ khí. Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty cho biết, theo chiến lược nội địa hóa ô tô đã được Chính phủ phê duyệt, Vinaxuki đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất, lắp ráp nhưng một trong những vấn đề mà DN cần hiện nay là vốn thì Vinaxuki lại khó được hỗ trợ. Lý do được ông Huyên phân tích là do ngân hàng không “thích” làm ngược lại những gì mà từ trước đến nay họ thường làm. “Từ trước tới nay ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thường chỉ NK thiết bị, phụ tùng về lắp ráp, ngân hàng có giấy tờ NK để ‘nắm đằng chuôi’. Còn khi DN vay vốn để thực hiện sản xuất, lắp ráp ô tô 100% nội địa thì dường như ngân hàng không tin tưởng vào khả năng thực hiện được của DN”. Ông Huyên còn cho biết, ông đã từng mời các giám đốc ngân hàng đến thăm để chứng kiến quy trình sản xuất và khả năng thực hiện nội địa hóa ô tô của Vinaxuki nhưng chưa có một giám đốc ngân hàng nào đến thăm nhà xưởng của Vinaxuki.
Tiêu chí vay: Khó
Thực tế thị trường lãi suất đã ghi nhận, lãi suất cho vay có giảm, hiện chỉ dao động từ 7- 11% một năm với kỳ hạn ngắn và 12- 13% với trung và dài hạn. Nhiều DN và hiệp hội thừa nhận lãi suất không còn là trở ngại. Thay vào đó, vấn đề nằm ở việc họ không đáp ứng được quy định tài sản đảm bảo khi đi vay.
Ông Hoàng Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cao Sơn phỏng đoán, có thể do cuộc khủng hoảng nợ xấu trước đây, giờ các ngân hàng thận trọng hơn đối với kết quả kinh doanh của DN. Một trong những tiêu chí để DN được vay vốn là tiêu chí về lợi nhuận trong vài năm gần nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc DN hòa vốn đã là việc khó nói gì đến việc liên tục có lãi. Cùng chia sẻ về vấn đề này, giám đốc một DN lớn chia sẻ, công ty ông đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất thì khó có thể mang lại lợi nhuận tức thì, chưa nói đến hàng năm, công ty phải trả mấy chục tỷ đồng tiền lãi vay nên khó có thể đáp ứng được tiêu chí về mặt sinh lời để được hưởng lãi suất thấp.
Để có thể vay được vốn vay, cách dễ nhất là có tài sản thế chấp. Thế nhưng, tài sản thế chấp thường được ngân hàng định giá quá thấp so với giá thị trường, nên DN không đủ điều kiện vay vốn. Nếu có cho vay thì tiền vay cũng không được nhiều, không đủ để giải quyết khó khăn cho DN. Đó là những chia sẻ của hầu hết DN khi nói về thực trạng vay vốn hiện nay. Do đó, nếu ngân hàng không thể định giá tài sản thế chấp ở mức cao hơn thì nên chăng ngân hàng có thể xem xét một số hạng mục hàng hoá đủ điều kiện do DN sản xuất là một loại tài sản có thể thế chấp được. Như vậy, DN cũng đỡ chật vật hơn.
Hồ Huệ
Hải Quan
|