Chủ Nhật, 06/10/2013 11:00

Cơ hội và thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào những phiên đàm phán cuối cùng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. TPP chính thức ký kết sẽ tác động như thế nào tới XK nông sản Việt? Làm sao để tận dụng tối đa cơ hội từ TPP, đồng thời vượt qua những thách thức đặt ra…? Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông Đỗ Anh Tuấn

Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, ca cao… đều có xu hướng giảm cả về lượng và kim ngạch. Hoạt động sản xuất, XK nông sản dường như ngày càng kém đi. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Đây là câu chuyện chung của thị trường thế giới. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thu nhập của người dân thấp hơn, họ tìm cách chi tiêu tiết kiệm hơn nên ảnh hưởng tới tổng cầu chung của mặt hàng nông sản. Có một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, ví dụ lúa gạo thì câu chuyện không chỉ của mỗi mặt cầu mà còn là của tổng cung. Sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, rất nhiều nước do muốn ổn định chính trị - xã hội trong nước nên tìm mọi cách tăng cung, tăng lượng dự trữ, cho dù họ không có năng lực cạnh tranh sản xuất lúa gạo cũng tìm mọi cách sản xuất, XK lúa gạo. Những nước này thường tiến hành trợ giá rất mạnh. Khi lượng dự trữ quá nhiều, lo ngại chất lượng sản phẩm đi xuống, họ tung gạo ra bán khiến cho giá gạo chung trên thế giới giảm xuống.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta phải nhìn ở nhiều góc độ khác nữa. Đó là vấn đề mặc dù giá XK nông sản nói chung, giá gạo XK nói riêng của Việt Nam giảm nhưng giá XK của chúng ta vẫn thấp hơn nhiều nước khác. Câu chuyện này liên quan tới chất lượng của sản phẩm, hệ thống chế biến, hệ thống XK, kể cả vấn đề có đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các DN XK trong cùng một ngành hàng hay không.

Khi TPP ký kết và có hiệu lực, thuế NK hàng hóa vào các thị trường liên quan sẽ bằng “0”. Theo ông, điều này đặt ra cơ hội gì cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với lĩnh vực XK nông sản?

TPP là một trong những hiệp định thương mại lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho XK nông sản Việt, đặc biệt là tại các thị trường mới. Bình thường, thị trường các nước khác tiến hành bảo hộ cho ngành nông nghiệp trong nước khá mạnh. Nhưng khi TPP có hiệu lực, nông sản Việt sẽ vượt qua được yếu tố này, có khả năng đẩy lượng XK tăng cao. Một cơ hội khác còn lớn hơn, đó là câu chuyện đầu tư xuyên quốc gia. Đã ký kết TPP, một số nước cảm thấy không có lợi thế về nông nghiệp, lại bị ép giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp thì có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống kém hiệu quả. Ví dụ, nếu một nhà đầu tư tại Nhật hoặc Mỹ liên doanh với DN trong nước, họ đã nắm được thông tin về thị trường, nhu cầu cũng như tiêu chuẩn cụ thể thì họ sẽ đưa quy trình công nghệ phù hợp để phía Việt Nam có thể sản xuất theo đúng nhu cầu của khách hàng bên Nhật hay bên Mỹ. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản XK.

Bên cạnh cơ hội, những thách thức đặt ra là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, một trong số những thách thức lớn đối với XK nông sản Việt Nam khi tham gia TPP là hàng rào kỹ thuật tại nhiều thị trường NK. Khi TPP được ký kết, các nước tham gia có thể giảm thuế xuất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn.

Một thách thức lớn nữa là hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại những thị trường lớn như Mỹ, Nhật… các tiêu chuẩn này khá khắt khe. Cùng một tiêu chuẩn chung, nông sản Việt Nam XK muốn qua cửa thì phải đáp ứng được. Nếu không, dù họ có mở rộng cửa thì hàng của ta cũng không thể lọt. Như vậy, lợi thế có được cũng như không. Đặc biệt, trong quy định của TPP có một điểm rất nghiêm túc là câu chuyện bảo vệ bản quyền. Đó là bản quyền liên quan đến giống, công nghệ… Rất nhiều nước tham gia đàm phán TPP đều triển khai khá tốt vấn đề này, trong khi đó phía Việt Nam còn nhiều lúng túng. Như vậy, nếu Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này thì sẽ rất khó khăn cho cả nông dân lẫn các DN XK.

Xin ông cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng tối đa ưu điểm cũng như hạn chế những khuyết điểm khi tham gia sân chơi chung TPP, nhằm thúc đẩy XK nông sản cả về lượng lẫn chất?

Như trong đề án tái cơ cấu ngành đã đề cập, chúng ta cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đi theo cả toàn bộ chuỗi. Đó là câu chuyện tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa các bên lại, tăng hàm lượng chế biến, tăng hàm lượng về quản lý chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu. Làm được những điều này sẽ giúp tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng thêm giá trị mới để chia cho các bên trong các chuỗi giá trị. Khi đó các bên tham gia mới nâng cao ý thức để làm cho tử tế ở mọi khâu, đảm bảo chất lượng và dần thúc đẩy XK gia tăng.

Muốn làm được thế, chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn cho các bên tham gia hoặc tổ chức lại nông dân. Ví dụ, trong lĩnh vực XK gạo, có thể đặt ra điều kiện như DN muốn XK gạo phải đảm bảo làm được mô hình liên kết sản xuất với nông dân, đảm bảo cung cấp đầu vào, ứng vốn trước để các hộ nông dân làm đúng quy trình canh tác, có thời gian giám sát đầy đủ. Bên cạnh đó, nếu DN đảm bảo điều kiện về kho, nhà máy chế biến thì có thể ưu đãi cho DN mua tạm trữ hoặc ưu đãi mặt bằng đất đai. Đó là cách để DN có động lực thay đổi. Quan điểm của tôi là, Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, còn sau đó DN đã chấp nhận đầu tư lớn, có khách hàng thì sẽ chủ động “chạy”và nông dân cũng được hưởng lợi lây theo.

Đối với tình trạng ruộng đất manh mún như hiện nay cần tìm cách rút bớt lao động nông nghiệp ra khu vực phi nông nghiệp. Những người còn lại thì tổ chức họ thành tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã. Nhà nước xem xét hỗ trợ, làm lại ruộng đồng, đầu tư thủy lợi, đặc biệt là đầu tư máy móc để họ có thể chuẩn hóa quy trình canh tác.

Một trong số những thách thức lớn đối với XK nông sản Việt Nam khi tham gia TPP là hàng rào kỹ thuật tại nhiều thị trường NK. Khi TPP được ký kết, các nước tham gia có thể giảm thuế xuất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn.

Một thách thức lớn nữa là hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thanh Nguyễn

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo tiếp tục sụt giảm (05/10/2013)

>   Ồ ạt nhập khẩu ngô, ngô trong nước "lép vế" (05/10/2013)

>   Xuất khẩu gạo trong quý 4 dự kiến đạt 1,8 triệu tấn (04/10/2013)

>   DN xuất khẩu nông sản muốn bỏ thuế VAT (03/10/2013)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản muốn bỏ thuế VAT (03/10/2013)

>   Tháng 9/2013: Xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng cả về lượng và giá trị (02/10/2013)

>   Lượng cà phê tồn kho đạt đỉnh của 4 năm (02/10/2013)

>   Cơ hội xuất khẩu nông sản sang châu Âu (01/10/2013)

>   Xuất khẩu cao su đạt 1,68 tỷ USD (27/09/2013)

>   Nhập khẩu vật tư nông nghiệp tăng 10% (26/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật