Chuyên gia lo tụt hậu kinh tế, mất tự chủ hội nhập
Dù thừa nhận kinh tế có tăng trưởng trong thời gian qua nhưng các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về tình trạng tụt hậu kinh tế và đánh mất quyền tự chủ của Việt Nam trong hội nhập với quốc tế.
Các chuyên gia tỏ ra lo ngại cho bức tranh phát triển kinh tế chung. Ảnh: Hoàng Phi
|
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) các doanh nghiệp nội địa, bao gồm khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh, đang “yếu đi trông thấy".
Nhận định của ông Thiên dược đưa ra trong buổi tọa đàm “Vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và Viện Nghiên cứu phát triển phương đông tổ chức tại TPHCM vào ngày 15-10 tại TPHCM.
Thành quả của hội nhập, theo ông Thiên, là tăng trưởng khá nhanh nhưng "đẳng cấp của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện", nghĩa là vẫn gia công, lắp ráp, khai thác tài nguyên, không có hệ thống công nghệ hỗ trợ hiện đại.
Chính vì thế mà sự tăng trưởng đó có tính bền vững thấp, và nền kinh tế vẫn không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Điều đáng nói là, theo ông Thiên, nội lực đang bị xem nhẹ thể hiện qua các chỉ số về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nội địa, quản trị vĩ mô, nguồn nhân lực… cũng như số lượng các doanh nghiệp ngưng hoạt động trong thời gian qua.
Trong khi đó, khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang có những diễn biến bất thường, điều mà ông Thiên gọi là những “cú xoay chuyển đột biến”.
Ông Thiên lấy ví dụ như hãng điện tử Samsung đang có những động thái đầu tư hết sức mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam.
Samsung hiện đã chiếm đến 10% giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam, và theo ông Thiên, cùng với những động thái mở rộng đầu tư sắp tới, Samsung sẽ nhanh chóng đạt đến tỷ trọng 20% xuất khẩu Việt Nam.
Hàng loạt các dự án trị giá hàng chục tỉ đô la khác cũng đang ráo riết được xúc tiến, từ Nhơn Hội ở Bình Định cho đến Vũng Áng ở Hà Tĩnh cũng đang “tạo ra những cú xoay chuyển không lường trước được” trong đầu tư FDI.
Ông khuyến cáo kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc rất lớn vào nước ngoài, thể hiện qua thị trường cũng như vốn các dự án FDI, và “kinh tế Việt Nam đang rơi vào bi kịch”.
“Trong khi các nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu một cách vững chắc thì Việt Nam vẫn đang trong điểm nghẽn, và chưa biết khi nào có thể thoát khỏi điểm nghẽn đó”, ông Thiên nhận định.
Các chuyên gia cho rằng dù dù chính sách kinh tế Việt Nam luôn nhấn mạnh về chuyện tăng trưởng kinh tế dựa vào nội lực là chính, nhưng thực tế nền kinh tế ngày một lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tính độc lập của Việt Nam đang ngày một giảm đi.
Ông Thái nhận định rằng quy mô của nền kinh tế ngày một lớn, nhưng nội lực lại đang bị giảm sút mà nguyên do là các doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị và chủ động hội nhập.
Theo ông Thái, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp sửa được ký kết, có tin cho rằng các bên nhất trí đạt được thỏa thuận về một lộ trình chuyển đổi 5 năm cho các thành viên đang phát triển như Việt Nam, Malaysia.
“Nhưng không biết trong 5 năm đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm gì hay tiếp tục ngủ quên như những lần hội nhập trước”, ông Thái tỏ ra lo lắng.
Ông Thái cũng nhấn mạnh chính phủ cần phải bắt tay vào thực hiện các chính sách một cách quyết liệt, tránh tình trạng nói nhiều làm ít như trong thời gian qua.
“Và một điều không thể không làm đó chính là cải cách thể chế một cách mạnh mẽ”, ông Thái nói.
Hoàng Phi
thời báo kinh tế sài gòn
|