Thứ Ba, 15/10/2013 11:36

Dự báo CPI tháng 10 và 3 tháng cuối năm: Chưa rõ rệt

Với đà tăng được dự đoán chỉ dao động từ 0,5-0,6%, CPI tháng 10 nhiều khả năng sẽ chỉ tăng nhẹ so với các tháng trước đó. Trong 3 tháng cuối năm, trọng tâm của việc kiềm chế lạm phát vẫn thuộc về công tác điều hành, quản lý giá.

Ghi nhận diễn biến giá cả thị trường những ngày qua, có thể thấy, mặt bằng giá đang tiếp tục leo thang, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Trong tháng 9, giá nhiều loại rau củ đã tăng thêm từ 15-25%. Xu hướng này tiếp tục được duy trì ổn định từ đầu tháng 10 tới nay. Dự kiến, trong tháng 10, tình hình mưa bão tiếp tục diễn biến phức tạp cộng với việc tăng giá nước sạch tại Hà Nội khiến mặt bằng giá khó có thể giảm.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, cung cầu hàng hóa trong nước vẫn cơ bản ổn định, giá một số hàng hóa thiết yếu khác như gạo, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, gas, xăng dầu… đều ổn định hoặc giảm nhẹ. Cùng với đó, chương trình bình ổn giá tiếp tục được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương sẽ góp phần quan trọng bình ổn mặt bằng giá trong tháng 10.

Theo giới chuyên gia, đà tăng CPI trong tháng 9 là ảnh hưởng từ nhân tố mùa vụ, không có sự đột biến. Nếu loại bỏ nhóm giáo dục, CPI chỉ tăng 0,52%. Dự đoán, lĩnh vực giáo dục vẫn tiếp tục tác động tới CPI tháng 10, song không đáng kể. Do đó, CPI tháng 10, nhiều khả năng sẽ tăng thấp hơn, diễn biến giá về đúng quy luật cung - cầu trên thị trường, khi tổng cầu vẫn còn yếu. Cũng vì thế, việc kiểm soát CPI quanh mức 7% là khả thi.

Tuy nhiên, công tác điều hành, quản lý giá cả thị trường những tháng cuối năm cần hết sức thận trọng. Theo TS Nguyễn Minh Phong, dù đà tăng CPI tháng 9 là do ảnh hưởng từ các quyết định hành chính là chủ yếu, song CPI bắt đầu tăng tốc từ đầu quý 3 cũng cho thấy khả năng CPI tăng tiếp trong các tháng còn lại của năm nay và những tháng đầu năm sau. Cùng với đó, là ảnh hưởng từ các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế tiếp tục được thực hiện, sức mua lên vào cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trọng tâm trong việc kiểm soát lạm phát thời gian tới là sự thận trọng, chín chắn hơn trong các chỉ đạo tăng giá, nhất là điều chỉnh mặt hàng do nhà nước quản lý. Cần tiến hành rà soát lại từng nhóm sản phẩm, phân tích từng thành phần khiến CPI tăng, từ đây có phương pháp quản lý phù hợp. Áp lực lạm phát cuối năm là không thể coi thường. Theo chu kỳ của nền kinh tế, 3 tháng cuối năm, mặt bằng giá chỉ tăng chứ không giảm. Tốc độ tăng CPI này có thể khiến CPI năm nay rơi vào ngưỡng 7-7,5%, vượt mức năm ngoái và có thể vượt chỉ tiêu đề ra.

Còn theo Vụ Dự báo, Thống kê tiền tệ NHNN, kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 10 của các TCTD cho thấy, CPI tháng 10 được kỳ vọng tăng khoảng 0,76%, thấp hơn so với mức tăng 1,06% của tháng 9 và 0,85% của cùng kỳ 2012. Tốc độ tăng CPI cả năm 2013 cũng được dự kiến ở quanh mức 7%.

Nguyễn Nga

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Điều hành tài chính bằng hành chính: Rối! (15/10/2013)

>   Kinh tế “khỏe” hơn, thật không? (14/10/2013)

>   30.000 đầu việc làm thêm cuối năm (12/10/2013)

>   Mừng lạm phát thấp, lo mất cân đối tài chính (12/10/2013)

>   Vốn FDI cấp mới 9 tháng tăng 18,6% so cùng kỳ (12/10/2013)

>   Ba điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam (11/10/2013)

>   Nhật muốn đầu tư nông nghiệp (10/10/2013)

>   Đầu tư ra nước ngoài là khẳng định vị thế của VN (10/10/2013)

>   Các TCTD kỳ vọng CPI tháng 10 tăng 0,76% (10/10/2013)

>   Bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (09/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật