Cần công khai lý do tăng
Trong khi dư luận tỏ ra “bất bình” với việc các nhà cung cấp VinaPhone, MobiFone và Viettel tăng cước truy cập 3G từ 20-40%, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, đến lúc người tiêu dùng phải sử dụng mạnh hơn quyền của mình.
Bộ Thông tin và truyền thông là “bệ đỡ” cho quyết định tăng cước của các doanh nghiệp. Ảnh: Minh Phúc
|
Nhận định về các nhà cung cấp cùng tăng cước, ông Hùng nhấn mạnh, Vinastas dùng luôn phản đối hành động câu kết, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi và khả năng được dùng hàng hóa, dịch vụ với một giá hợp lý nhất của người tiêu dùng.
Đặc biệt, ông Hùng cho rằng, việc hai doanh nghiệp khác nhau, lại cùng tăng mức giá giống nhau, tại cùng một thời điểm, là việc không bình thường. “Khó lòng có sự ngẫu nhiên như thế”. Mặc dù vậy, điều này chưa thể khẳng định họ đã vi phạm luật cạnh tranh hay chưa. Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mới kết luận được.
Theo ông Hùng, việc điều tra để tìm ra chứng cứ hành vi câu kết, không phải là không làm được nhưng cũng không dễ. Ngay cả không có sự câu kết, thì bản thân sự tăng giá đã hợp lý chưa? Việc cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ, theo luật là quyền của người tiêu dùng, cũng là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin này và đây là một trong 8 quyền cơ bản của họ. Vậy những thông tin có liên quan đến việc hình thành giá đã được minh bạch chưa.
Trong khi chưa thể kết luận một số nhà cung cấp có hành động câu kết hay không, ông Hùng khẳng định Vinastas sẽ theo dõi, nếu có dấu hiệu một nhóm doanh nghiệp cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh, thống lĩnh thị trường, thì sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc làm rõ. Nếu có sai phạm, câu kết nâng giá thì phải xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm
Ông Hùng cho rằng, bản thân cơ quan chức năng của nhà nước cũng là một đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều do Cục Quản lý cạnh tranh đảm nhiệm. Còn về lĩnh vực giá, thuộc trách nhiệm Cục Quản lý giá. Vì vậy, cơ quan nhà nước có trách nhiệm làm rõ những vấn đề có nghi vấn, nhất là trước hành vi có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh, thỏa thuận tăng giảm giá. Bởi đây là hành vi bị cấm trong Luật.
Đặt mình vào hoàn cảnh người tiêu dùng, ông Hùng cho rằng, trong khi thu nhập của số đông người lao động dẫm chân tại chỗ, thì vật giá cứ tiếp tục leo thang, nay thì xăng; mai thì điện; nước; sữa cho trẻ em, cho người bệnh, người già; cước 3G…mặt hàng nào tăng cũng đều được doanh nghiệp đưa ra lý do cả, nhưng cuối cùng đều đổ lên đầu người tiêu dùng. Trừ những mặt hàng thuộc loại “quốc kế, dân sinh” Nhà nước quản lý giá; còn lại cạnh tranh, đáng lẽ người tiêu dùng phải được hưởng lợi, nhưng hình như quy luật thị trường trong trường hợp này chưa phát huy tác dụng.
Trước thực trạng có nhiều doanh nghiệp hay so sánh giá hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam với một số nước, ông Hùng cho rằng, “đólà sự so sánh khập khiễng” khi thu nhập của người dân còn thấp xa so với các nước đó. Nếu có những bằng chứng xác thực về giá cả dịch vụ cước 3G ở những nước mà doanh nghiệp viện dẫn và thường bám vào để lấy cớ tăng giá, người tiêu dùng cần thông tin để tăng cường giám sát, phản biện xã hội. Đây là kênh tích cực và quan trọng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, tránh những thông tin một chiều từ doanh nghiệp.
Trong trường hợp cụ thể này, ông Hùng đề nghị các doanh nghiệp tăng giá cước dịch vụ 3G, cần phải công khai, minh bạch những yếu tố buộc phải tăng giá cước và ngay cả trong trường hợp đó, tăng bao nhiêu có thể chấp nhận được cũng cần làm rõ. Tất nhiên phải là những yếu tố khách quan, hợp lý. Người tiêu dùng không thể bỏ thêm tiền mà chất lượng dịch vụ không tương xứng; cũng như không thể bỏ tiền ra để bù đắp cho những thất thoát do những yếu kém trong quản lý, hoặc do bản thân doanh nghiệp không kiểm soát được thiệt hại gây nên từ bên thứ ba nay đổ lên vai người tiêu dùng là vô lý.
“Có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng phải sử dụng mạnh mẽ hơn nữa quyền lựa chọn của mình để tẩy chay những doanh nghiệp như vậy”.
Việt Anh ghi
sài gòn tiếp thị
|