"Phán quyết” cuối cùng về vụ khách sạn trong công viên
UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo liên quan đến thực hiện phương án giải quyết việc dừng dự án khách sạn SAS tại 295 Lê Duẩn.
Chỉ vì địa điểm xây dựng, dự án khách sạn SAS đã trở thành một trong những dự án tai tiếng nhất Hà Nội trong suốt 4 năm qua.
|
Trong công văn gửi các Sở Tài chính, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty SIH Investment Limited và các đối tác ngày 16/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, cho biết ngày 10/7 vừa qua, Thường trực Thành uỷ Hà Nội có kết luận về phương án giải quyết việc dừng dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel (sau này có tên là Novotel Hanoi on the Park).
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức quyết định dừng dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel và thành phố tiến hành thu hồi lô đất tại 295 Lê Duẩn để làm bãi đỗ xe ngầm, cây xanh và dịch vụ. UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục theo quy định.
UBND thành phố ghi nhận vốn của bên nước ngoài đã đầu tư vào dự án nói trên là 13.330.318 USD. Số tiền này sẽ được đối trừ vào tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định tại địa điểm mới là khu đất có ký hiệu HH trên đường Phạm Hùng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng chấp thuận để Tổng công ty Du lịch Hà Nội vốn là đối tác trong liên doanh của dự án thôi không tham gia góp vốn vào dự án mới trên đường Phạm Hùng. Tổng công ty Du lịch Hà Nội có trách nhiệm thực hiện việc ghi nhận vốn với Sở Tài chính đối với khoản hỗ trợ 1 triệu USD của bên đối tác nước ngoài.
Đối tác còn lại là Công ty SIH Investment Limited được phép thực hiện đầu tư dự án dưới hình thức 100% vốn nước ngoài tại địa điểm mới theo quy định và quy hoạch đã được duyệt. Thủ tục cho thuê đất và các nghĩa vụ tài chính về đất đai của nhà đầu tư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, thành phố cũng yêu cầu, Công ty SIH có nghĩa vụ thừa kế trách nhiệm thanh toán mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của Công ty liên doanh SAS Hanoi Royal Hotel sau khi doanh nghiệp này giải thể.
Cùng với đó, chủ đầu tư phải cam kết tiến độ triển khai dự án “rất cụ thể”, tránh xảy ra trường hợp kéo dài như dự án cũ tại Lê Duẩn.
UBND thành phố giao các sở ngành liên quan rà soát, kiểm tra năng lực và tư cách pháp nhân của chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án; xem xét hồ sơ đề xuất của dự án tại địa điểm mới và hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục thực hiện dự án. Trường hợp hồ sơ đề xuất có quy mô vượt so với tiêu chuẩn, quy định hiện hành thì báo cáo UBND thành phố để báo cáo Bộ Xây dựng, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu xây dựng dự án tại địa điểm mới.
Việc triển khai và dừng dự án khách sạn SAS Hanoi Royal từng gây xôn xao dự luận Thủ đô từ năm 2009, sau khi chủ đầu tư chính thức triển khai khởi công xây dựng. Lúc bấy giờ, hầu hết các chuyên gia và người dân Thủ đô đều phản đối việc thành phố Hà Nội cho phép xây dựng một khách sạn 5 sao trong phần đất thuộc Công viên Thống Nhất.
Trước sự phản đối gay gắt của dư luận và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố Hà Nội sau đó đã buộc phải ra quyết định dừng và huỷ dự án tại địa điểm nói trên. Tuy nhiên, việc dừng dự án này đã vượt quá sự tính toán của thành phố khi mà chủ đầu tư đã yêu cầu Hà Nội phải bồi thường thiệt hại lên tới 80 triệu USD, trong đó riêng “chi phí cơ hội” là 63,7 triệu USD.
Không những thế, chủ đầu tư dự án còn yêu cầu thành phố Hà Nội phải cấp thêm một lô đất khác trên đường Phạm Hùng, ngoài lô đất tại phố Lò Đúc mà thành phố gợi ý “đền bù”.
Mọi việc chỉ tạm lắng xuống khi vào tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu UBND thành phố Hà Nội không xem xét đền bù chi phí cơ hội trong việc dừng xây dựng dự án khách sạn nói trên cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, khi đó, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phải đứng ra đàm phán và bồi thường theo quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hoà quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích nhà nước.
Từ Nguyên
Vneconomy
|