3 lý do Fed có thể trì hoãn thu hồi QE3 đến năm 2014
Với việc đóng cửa của Chính phủ Mỹ đang được đếm từng ngày, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch cắt giảm gói QE3 sang năm tới cũng đang tăng cao.
* Tổng thống Obama chính thức bổ nhiệm nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Fed
* Biên bản họp: Fed sẽ rút lại QE3 trong năm nay
Trước tình trạng ngừng hoạt động của Chính phủ và nguy cơ vỡ nợ lần đầu trong lịch sử, Fed hầu như không thể cứu vãn được tình hình nhưng những khó khăn này không thể ngăn cản nỗ lực của Fed trong việc xoa dịu các cú sốc đối với nền kinh tế.
Rất có khả năng Fed sẽ duy trì chương trình kích thích lâu hơn so kỳ vọng của nhiều người. Theo dự báo trước đó của nhiều nhà kinh tế, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số người lại cho rằng Fed có thể đợi thêm 5 tháng nữa trước khi bắt đầu quá trình được gọi là “tapering” vì 3 lý do sau:
Đóng cửa Chính phủ có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế: Chính phủ đóng cửa càng lâu thì tác động lên nền kinh tế sẽ càng tồi tệ.
Các nhà kinh tế thuộc Moody's Analytics ước tính việc đóng cửa Chính phủ có thể tiêu tốn của nền kinh tế khoảng 55 tỷ USD nếu kéo dài trong khoảng 3 hoặc 4 tuần. Con số tổn thất này gần tương đương với mức thiệt hại về tăng trưởng do cơn bão Katrina và siêu bão Sandy gây ra. Ảnh hưởng sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều nếu Quốc hội không thể nâng mức trần nợ công và Chính phủ buộc phải vỡ nợ.
Ethan Harris, nhà kinh tế toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch nhận định trong một báo cáo nghiên cứu: “Bất ổn kéo dài – chưa kể đến các biến cố tài chính – sẽ gia tăng khả năng Fed đẩy lùi kế hoạch thu hồi gói kích thích sang năm tới”.
Không có số liệu kinh tế: Các quan chức Fed từng nhấn mạnh rằng quyết định của ngân hàng trung ương sẽ hoàn toàn dựa trên các số liệu kinh tế. Nếu số liệu cho thấy nền kinh tế (đặc biệt là thị trường lao động) đang cải thiện với tốc độ đúng như kỳ vọng, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô của chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu/tháng (QE3). Còn không, Fed sẽ tiếp tục mua vào với tốc độ như hiện nay.
Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu không có số liệu kinh tế?
Các cơ quan liên bang như Bộ Lao động và Bộ Thương mại đều không thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ hay công bố báo cáo trong thời gian Chính phủ đóng cửa. Tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào hai ngày 29-30/10, Fed có thể không có số liệu mới nhất về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát – hai lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế làm cơ sở cho quyết định của ngân hàng trung ương.
Do tình trạng đóng cửa của Chính phủ đã kéo dài sang tuần thứ 2 nên bản báo cáo việc làm tháng 10 cũng sẽ bị trì hoãn. Cơ quan Thống kê Lao động thường tiến hành các cuộc khảo sát trong suốt tuần, kể cả vào ngày 12.
Trong một nghiên cứu, nhà kinh tế trưởng của TD Economics, Craig Alexander, cho biết: “Việc thiếu dữ liệu sẽ khiến Fed khó đánh giá tình hình kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng đã thấp hơn so kỳ vọng. Theo quan điểm của chúng tôi, ngân hàng trung ương sẽ chưa cắt giảm QE3 cho đến đầu năm sau”.
Thay đổi Chủ tịch Fed trong tháng 1: Một số nhà kinh tế như Joe LaVorgna của Deutsche Bank vẫn tin tưởng Fed có thể rút lại QE3 tại cuộc họp tháng 12. Tuy nhiên, nếu vào lúc đó Fed vẫn chưa hành động thì ông LaVorgna cho rằng Fed sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào tại cuộc họp tháng 1 và chờ đến cuộc tháng 3.
Tại sao lại như vậy?
Nhiệm kỳ của Chủ tịch Ben Bernanke sẽ kết thúc vào ngày 31/01/2014 cho nên Fed khó có thể thực hiện một thay đổi lớn như vậy khi sắp có Chủ tịch mới, nhận định từ chuyên gia kinh tế cấp cao của Wells Fargo, Sam Bullard.
Được biết Chủ tịch Fed không phải là vị trí duy nhất có sự thay đổi. Ba vị trí khác trong hội đồng thống đốc của Fed cũng sẽ có sự xuất hiện của những gương mặt mới và bốn chủ tịch khu vực sẽ hoán đổi vai trò bỏ phiếu. Theo dự kiến, đội ngũ các nhà làm chính sách mới sẽ bắt đầu nhóm họp vào ngày 19/03.
Vì thế, nhà đầu tư có thể quên đi việc rút lại QE3 trong tháng 10, tháng 12 hay thậm chí là tháng 1.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|