Thứ Năm, 24/10/2013 06:11

10 năm chưa xử xong một vụ kiện

Dù nội dung vụ việc, hệ thống chứng cứ, người tham gia tố tụng… không có gì khác nhưng vụ kiện kéo dài với bảy bản án và một quyết định giám đốc thẩm mà vẫn chưa xong.

Tháng 4-2001, chồng bà Trần Thị Hoa biết ông Hồ Văn Trí muốn bán đất tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) nên tới đặt vấn đề hợp tác xin làm cơ sở hạ tầng và phân lô bán để hưởng hoa hồng. Ông Trí đồng ý, chồng bà Hoa đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng rồi giới thiệu người mua cho ông Trí.

Bảy bản án, một quyết định giám đốc thẩm

Tháng 3-2004, vợ chồng ông Trí đã nộp đơn khởi kiện vợ chồng bà Hoa ra TAND thị xã Dĩ An để đòi lại đất. Theo đơn kiện, vợ chồng ông Trí nhờ bà Hoa đứng tên giùm hơn 2.100 m2 đất. Việc đứng tên giùm thể hiện bằng đơn xin bảo lãnh để vay vốn ngân hàng mà các bên lập (có xác nhận của chính quyền địa phương). Sau đó, không được sự đồng ý của vợ chồng ông Trí nhưng vợ chồng bà Hoa vẫn phân ra thành 20 lô đất bán cho 19 người khác nhau, trong đó có bảy hộ dân đã xây nhà không phép, một số hộ dân khác thì chuyển nhượng lại cho người thứ ba.

Gần 10 năm qua, dù nội dung vụ việc, hệ thống chứng cứ, những người tham gia tố tụng… không có gì khác nhưng vụ kiện này đến nay vẫn chưa được giải quyết xong với bảy bản án và một quyết định giám đốc thẩm.

Bên trái con đường là nhà đã được xây (không phép) nên chủ nhà không phải trả lại đất. Ảnh: T.HIỂU

Cụ thể, tháng 1-2005, TAND huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An xử sơ thẩm lần đầu, tuyên buộc vợ chồng bà Hoa phải trả lại đất cho vợ chồng ông Trí... Tháng 6-2007, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm lần đầu với kết quả trái ngược là tuyên vợ chồng bà Hoa thắng kiện và được quyền chuyển nhượng đất.

Tháng 10-2009, TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm vì việc hùn hạp làm ăn giữa hai bên… chưa được hai cấp tòa làm rõ.

Hơn một năm sau, TAND huyện Dĩ An xử sơ thẩm lần hai đã tuyên buộc vợ chồng bà Hoa đền bù giá trị đất cho vợ chồng ông Trí, các hộ dân mua lại đất từ vợ chồng bà Hoa không có liên quan. Xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Dương đã hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Xử sơ thẩm lần ba, TAND huyện Dĩ An tiếp tục tuyên vợ chồng bà Hoa phải đền bù giá trị đất cho vợ chồng ông Trí. Các hộ dân mua đất không có liên quan. Bản án này bị TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần ba hủy.

Liều xây nhà lụi thì thoát

Mới đây, TAND thị xã Dĩ An tiếp tục xử sơ thẩm lần thứ tư với kết quả là vợ chồng ông Trí thắng kiện. Tuy nhiên, bản án này đã đưa ra phán quyết rất lạ liên quan đến số phận của 19 người mua đất từ vợ chồng bà Hoa.

Cụ thể, tòa cho rằng các hợp đồng chuyển nhượng đất đều chưa có hiệu lực pháp luật (chưa đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan có thẩm quyền). Tuy nhiên, với bảy hộ dân đã xây nhà không phép trên đất, tòa cho rằng để đảm bảo quyền lợi cũng như sự ổn định thì không nhất thiết phải buộc những hộ dân này trả đất lại cho nguyên đơn. Từ đó, tòa buộc vợ chồng bà Hoa phải trả giá trị đất (tương đương phần đã bán cho bảy hộ dân nói trên) cho vợ chồng ông Trí. Với 12 hộ dân còn lại cũng mua đất từ vợ chồng bà Hoa nhưng không xây nhà lụi thì tòa buộc họ phải trực tiếp trả lại đất cho vợ chồng ông Trí.

Như vậy, cùng mua đất giống nhau nhưng người nào xây nhà không phép thì không bị gì, người nào không xây thì… mất đất (?!). Vì thế, 12 hộ dân phải trả đất đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Ông Phạm Kim Quang (một trong 12 hộ dân này) bức xúc: “Vì bản án phúc thẩm năm 2007 tuyên bà Hoa thắng kiện, có quyền chuyển nhượng đất nên sau đó vợ chồng tôi đã yên tâm mua đất của bà Hoa. Mọi thủ tục chuyển nhượng đều hợp pháp, được chính quyền địa phương xác nhận. Vợ chồng tôi dành dụm mấy chục năm trời mới tích góp được ít tiền để mua đất, ai ngờ bây giờ lại ra cớ sự này. Biết vậy tôi đã ráng vay mượn nhắm mắt mà xây đại cái nhà tạm thì bây giờ đã không phải mất đất”…

Người dân sẽ mất niềm tin

Trong quá trình xét xử, các đương sự không cung cấp thêm chứng cứ mới nào khác mà kéo dài gần 10 năm trời, cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, mỗi lần xét xử lại nhận định, tuyên án khác nhau. có hai nguyên nhân có thể xảy ra: Thứ nhất, các tòa áp dụng quy định của pháp luật chưa thống nhất, chưa đúng. Thứ hai, luật pháp chưa đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến các tòa muốn nhận định sao cũng được. Đây là một thực trạng tố tụng nổi cộm hiện nay với hệ lụy là gây tốn kém thời gian, tiền bạc của đương sự, của Nhà nước. Đặc biệt, người dân sẽ mất niềm tin với tòa.

Luật sư NGUYỄN DUY BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Án thiếu thuyết phục

Tòa không được phân biệt đối xử là đất trống thì phải trả lại, xây nhà lụi thì “tha”. Phân biệt như vậy dẫn đến việc người bị tuyên phải trả đất sẽ hiểu sai về tính công bằng của pháp luật cũng như tính vô tư, khách quan của tòa.

Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tiến Hiếu

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Bộ Y tế họp khẩn vụ thẩm mỹ viện vứt xác bệnh nhân (23/10/2013)

>   Chủ tịch tỉnh Bình Dương bị tố cáo: Người trong cuộc nói gì? (23/10/2013)

>   Lập khống hóa đơn, lừa ACB trên 10 tỷ đồng (23/10/2013)

>   TP.HCM “thất thủ” trước triều cường? (23/10/2013)

>   Mỗi năm phát hiện 13.000 vụ tội phạm kinh tế (22/10/2013)

>   Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh từ trần (22/10/2013)

>   Tiêu cực tại ALC II gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng (22/10/2013)

>   "Chốt" phương án không đổi tên nước (22/10/2013)

>   Mới xử hình sự 4 người đứng đầu vì tham nhũng (22/10/2013)

>   TP.HCM xem xét đặt tên đường Võ Nguyên Giáp (22/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật