"Chốt" phương án không đổi tên nước
Sáng 22-10, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật QH Phan Trung Lý cho rằng việc giữ tên nước CHXHCN Việt Nam là để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn. Hơn nữa, tên gọi này đã thân quen với nhân dân, được các nước công nhận, trân trọng.
Ông Phan Trung Lý: Đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
|
Sáng nay 22-10, Quốc hội (QH) đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu QH và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo).
Trình bày báo cáo, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo, Trưởng ban Biên tập Dự thảo - cho biết qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu QH, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song cũng có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Uỷ ban Dự thảo) thấy rằng việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được QH lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị QH cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo đã trình QH 2 phương án về chính quyền địa phương. Theo đó, Phương án 1 quy định một cách khái quát để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phương án 2 giữ các quy định hiện hành của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương của nước ta.
Qua tổng hợp ý kiến, đa số ý kiến nhân dân, đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu QH, cả 2 phương án mà Dự thảo đưa ra đều chưa phù hợp với yêu cầu đó. “Ủy ban Dự thảo nhận thấy, quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ cả về lý luận và thực tiễn” - ông Lý nhấn mạnh.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, nhất là Ủy ban pháp luật của QH và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo đề nghị QH không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.
Về các nội dung cụ thể, liên quan đến hiến định vai trò của kinh tế nhà nước, Ủy ban Dự thảo giải thích, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ủy ban Dự thảo đề nghị QH quy định về nội dung này tại khoản 1, điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Báo cáo do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ trong luật để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng yêu cầu quy định chặt chẽ vấn đề này.
Do đó, Ủy ban Dự thảo đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Đáng chú ý, theo ông Lý có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền được chết trong Dự thảo Hiến pháp. Ủy ban Dự thảo nhận thấy “quyền được chết” là vấn đề cần được quan tâm, tuy vậy, đây cũng là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, do vậy, đề nghị QH cho tiếp tục nghiên cứu và chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp.
Với vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến thu hồi đất, khoản 3 điều 54 Dự thảo được chỉnh lý: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ủy ban Dự thảo nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Theo lịch trình, ngày mai (23-10), QH sẽ thảo luận ở tổ về Dự thảo. Ngày 5-11, Trưởng ban Biên tập Dự thảo Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận này. Sau đó QH cùng thảo luận ở hội trường về những khác nhau đó.
Tiếp đó, ngày 18-11, ông Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó QH lại thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28-11, QH sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tiếp tục giữ Điều 10 về Công đoàn Việt Nam
Ông Phan Trung Lý cho biết về Công đoàn Việt Nam (Điều 10 trong Dự thảo Hiến pháp), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình QH tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 là không quy định một điều riêng về Công đoàn Việt Nam mà chuyển nội dung về Công đoàn tại Điều 10 vào quy định cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác tại Điều 9.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 tiếp tục quy định về Công đoàn tại Điều 10 của Dự thảo để đề cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và vị trí, vai trò đặc biệt của Công đoàn ở nước ta.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Dự thảo đề nghị QH cho tiếp tục giữ Điều 10 trong Dự thảo như các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 để khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, Dự thảo Hiến pháp cũng đã bổ sung quy định về các tổ chức chính trị - xã hội khác tại khoản 2 Điều 9.
|
Thế Dũng
người lao động
|