Thứ Ba, 22/10/2013 06:46

Bảo hiểm thất nghiệp: Vẫn còn băn khoăn về đối tượng, điều kiện thụ hưởng

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Việc làm chiều ngày 21/10, nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn về việc bắt buộc đối tượng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề.

Cụ thể, Điểm c, Khoản 1, Điều 44, Dự thảo Luật Việc làm quy định rõ đối tượng Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Giải trình về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mục tiêu mở rộng an sinh xã hội cho người lao động là cần thiết trong quá trình phát triển thị trường lao động. Mặc dù đối tượng này tuy có mức độ ổn định yếu hơn nhưng là đối tượng đã có quan hệ lao động, cần thiết phải thu hút để tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước và người sử dụng lao động.

"Để nâng cao tính khả thi của chính sách, các cơ quan BHXH và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra, tạo cơ hội cho nhóm lao động này tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm an sinh cho mình", Ủy Ban Thường vụ Quốc hội kết luận.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra băn khoăn về quy định này cũng như quyền lợi mà nhóm đối tượng này được hưởng.

Theo Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), quy định như vậy thiếu tính khả thi, bởi hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm y tế đối tượng này cũng gần như không thực hiện được.

Hơn nữa, theo Điều 50, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên. Hay như theo Điều 56, để được hỗ trợ học nghề, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên... Thế nên với người lao động 3 tháng theo thời vụ thì biết khi nào mới đủ điều kiện để hưởng các chế độ này.

"Cho nên theo quan điểm của tôi, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ lao động từ 12 tháng trở lên. Mặc dù chúng ta rất mong muốn đảm bảo an sinh xã hội nhưng trong thực tế không thực hiện được, không mang tính khả thi", ông Châu nhấn mạnh.

Cũng với băn khoăn như ông Châu, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cũng cho rằng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên là chưa hợp lý, thiệt thòi cho người lao động.

Vì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi có hợp đồng lao động đủ từ 3 tháng trở lên, nhưng điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại phải nộp đủ từ 12 tháng trở lên. Với quy định này, những người lao động đã đóng góp bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng mà bị mất việc làm thì không đủ điều kiện được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, khác với ông Châu, bà Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định một tỷ lệ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhất định đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ từ 6 tháng trở lên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.

Minh Trí

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   “Cử tri băn khoăn thu hồi đất cho phát triển kinh tế” (21/10/2013)

>   Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (21/10/2013)

>   Dương Chí Dũng: Triệu đô cho bồ, vợ con tủi khổ, anh em vào tù (21/10/2013)

>   Kẽ hở chuyển tiền ra nước ngoài (21/10/2013)

>   Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6 khóa XIII (21/10/2013)

>   Tiền Nhà nước bồi thường năm 2013 tăng mạnh (20/10/2013)

>   Cử tri muốn Quốc hội làm rõ sai phạm của EVN (20/10/2013)

>   Chân dung hai ứng viên Phó thủ tướng mới (20/10/2013)

>   Vụ đồng loạt tăng cước 3G: “Thượng đế” chẳng là gì cả! (20/10/2013)

>   Xử lý không mạnh nên tham nhũng lộng hành (20/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật