Lập khống hóa đơn, lừa ACB trên 10 tỷ đồng
Chỉ đạo cho nhân viên lập khống 15 hóa đơn GTGT, Đồng Thị Bích Hồng đã thành công lừa được Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng ACB giải ngân 10,565 tỷ đồng.
Ngày 22/10, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử đối với bị cáo Đồng Thị Bích Hồng, nguyên là Giám đốc CTCP Sản xuất và thương mại Tây Sơn (Công ty Tây Sơn – Đống Đa, Hà Nội) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty Tây Sơn ký hợp đồng hợp tác thương mại với Công ty TNHH thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị BigC tại Việt Nam (BigC) để cung cấp hàng hóa cho các siêu thị của BigC, trong đó có BigC Thăng Long và BigC Hải Phòng.
Ngày 18/5/2010, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng hạn mức bao thanh toán với Công ty Tây Sơn với số tiền 14 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, tài sản đảm bảo là các khoản phải thu của Công ty Tây Sơn tại BigC trị giá 15,556 tỷ đồng. Theo quy định của ACB, Ngân hàng chỉ giải ngân cho bên bán hàng sau khi nhận được các chứng từ gồm: Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc đơn đặt hàng; hóa đơn GTGT liên 3; văn bản giao nhận hàng hóa có xác nhận của bên mua hàng (trong trường hợp từng hóa đơn GTGT liên 3 có chữ ký xác nhận của bên mua hàng thì có thể bỏ qua chứng từ này); đối chiếu công nợ.
Do làm ăn thua lỗ, đến tháng 5/2010, Công ty Tây Sơn mất khả năng thanh toán. Để có tiền tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty và trả nợ, Hồng đã chỉ đạo cho nhân viên lập khống 15 hóa đơn GTGT thể hiện Công ty Tây Sơn bán hàng cho BigC Thăng Long và BigC Hải Phòng với tổng giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn là 29,245 tỷ đồng. Sau đó, Hồng đưa cho nhân viên ký vào hóa đơn ở mục người mua hàng và sử dụng 15 hóa đơn này làm thủ tục để PGD Hoàng Quốc Việt (thuộc Chi nhánh ACB Hà Nội) giải ngân. Từ ngày 31/5/2010 đến 2/8/2010, PGD Hoàng Quốc Việt đã ký 9 khế ước và giải ngân cho Công ty Tây Sơn tổng số tiền 10,565 tỷ đồng.
Ngoài bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ACB, Hồng còn bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 20,919 tỷ đồng. Cụ thể, chiếm đoạt của ông Triệu Tiến Hùng 15,668 tỷ đồng; chiếm đoạt của ông Nguyễn Thành Trung 2 tỷ đồng và chiếm đoạt của Công ty thương mại và đầu tư Hà Nội số tiền 3,25 tỷ đồng.
Trong phần tranh luận tại Tòa, HĐXX cho rằng, quy trình thẩm định của ACB không chặt chẽ, khi chỉ thẩm định hồ sơ trên giấy mà không thẩm định tại nơi phát sinh đơn hàng thực tế, bởi hóa đơn là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh tóa khi có rủi ro trong thanh toán. Vì vậy, Ngân hàng cần thẩm định rõ hóa đơn có đúng không; xem khách hàng đã thanh toán bao nhiêu phần trong tổng giá trị đơn hàng. Nếu chỉ căn cứ trên hóa đơn mà duyệt giải ngân theo quy định 80% giá trị hóa đơn là có sai phạm.
Đồng tình với ý kiến của HĐXX, đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi: theo ACB thì BigC không có chữ ký mẫu tại Ngân hàng, vậy Ngân hàng căn cứ vào đâu để xác định chữ ký trên hóa đơn GTGT là thật?
Đại diện ACB cho rằng, nhân viên ngân hàng đã làm đúng theo quy trình quy định của Ngân hàng tại thời điểm ký khế ước giải ngân. Sau vụ việc này, Ngân hàng đã bổ sung thêm quy định cho chặt chẽ hơn. ACB yêu cầu bị cáo phải trả 14,916 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi), trong đó có 7,729 tỷ đồng nợ gốc.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần làm rõ, vì vậy đề nghị tạm hoãn phiên xét xử, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra thêm.
Huyền Vy
Đầu tư chứng khoán
|